Nhóm được ưu tiên tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Việc tiêm chủng được tiến hành ở 12 tỉnh, thành phố từ ngày 8/3 đến nay. Cụ thể, Hải Dương 12.068 người, Hà Nội 3.768 người, Hưng Yên 2.492 người, Bắc Ninh 1.332 người, Bắc Giang 2.281 người, Hải Phòng 205 người, TP.HCM 884 người, Gia Lai 200 người, Long An 204 người, Đà Nẵng 117 người, Hòa Bình 152 người và Khánh Hòa 105 người.
Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã kết thúc tiêm vacccine Covid-19 trong đợt này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong số người tiêm vaccine có 4.078 trường hợp phản ứng thông thường; 5 trường hợp phản vệ độ 2; một trường hợp phản vệ độ 3. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có 4 cấp độ phản vệ theo thứ tự từ 1 đến 4 là nhẹ, nặng, nguy kịch, ngừng tuần hoàn. Những trường hợp này được xử lý và sức khỏe đều đã ổn định.
Theo Bộ trưởng, 16 trường hợp được báo cáo phản ứng nặng sau tiêm vaccine. Tuy nhiên, Hội đồng tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ 5 trường hợp phản vệ độ 2; một trường hợp phản vệ độ 3.
"Trường hợp phản vệ độ 3 này do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới", Bộ trưởng Long nói.
Theo ông Long, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm vaccine Covid-19 phải "vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn".
Vaccine Covid-19 đang được tiêm cho nhóm ưu tiên tại Việt Nam do hãng dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford, Anh, nghiên cứu phát triển, sản xuất. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về Việt Nam hôm 24/2. Dự kiến trong tháng 3, 4 khoảng hơn 5 triệu liều nữa được Việt Nam tiếp nhận thành nhiều đợt, từ nguồn viện trợ của Covax, UNICEF và hợp đồng mua thông qua Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC).
Trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, ông Long khẳng định Bộ Y tế đã liên tục theo dõi. Đến nay tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Tới đây các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm.