Tại Hà Nội, đường phố nhộn nhịp từ hơn 6h khi gần 2,3 triệu học sinh các cấp đi khai giảng. Thủ đô là nơi có số học sinh và trường, lớp nhiều nhất cả nước.
Thời tiết hôm nay nắng nóng, chừng 28-29 độ từ sáng sớm. Hầu hết trường tập trung học sinh vào lúc 6h30.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Cầu Giấy, 650 học sinh và thầy cô chung tâm trạng háo hức. Đây là ngôi trường mới của quận năm nay. Ở cổng, giáo viên xếp thành hai hàng để chào đón học trò.
Nhà cách trường vài chục mét nhưng từ 6h, Trần Tú Anh và Hồ Ngọc Thảo An, lớp 1A4, đã giục mẹ đưa đến trường.
"Nghe tiếng nhạc rộn ràng từ trường nên con nên muốn đến sớm để gặp bạn bè mới và chụp ảnh", cô bé nói.
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng, cho biết lễ khai giảng có phần kết hợp đặc biệt giữa các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh với màn trống hội. Qua đây, trường mong muốn kết nối với phụ huynh và những điều may mắn cho năm học mới.
Tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, khoảng 1.500 học sinh từ lớp 1 đến 9 phấn khởi chờ lễ khai giảng. Đây là cơ sở giáo dục đặc biệt với gần 160 học sinh khiếm thị.
Từ 6h30, trường ngập cờ, hoa. Khoảng 7h50, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt trong tiếng vỗ tay của thầy trò.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những đóng góp của trường trong 42 năm qua, nhất là trong xây dựng mô hình học hòa nhập cho học sinh khiếm thị. Nhân dịp này, Thủ tướng tặng trường một phòng học máy tính.
"Chúc trường gặt hái được nhiều thành công hơn năm qua", ông Chính nói.
Chị Nguyễn Thị Huyền, đại diện phụ huynh lớp 1A4, nói "háo hức không kém học sinh". Chị cũng mong chờ khoảnh khắc con và các bạn được xướng tên để vẫy cờ, hoa mừng năm học mới. "Tôi mong con sẽ có buổi lễ ý nghĩa, đáng nhớ cũng như 12 năm học suôn sẻ phía trước", chị nói.
Đặng Ngọc Diệp, lớp 9A1, dự định đặt nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường THPT Trần Phú, một trong những trường lấy điểm chuẩn cao nhất thành phố. Nữ sinh xác định đây là năm học quyết định, cần đầu tư và dành nhiều thời gian cho việc học hơn.
TP HCM năm nay có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non đi học, tăng 24.000 so với năm học trước. Sáng nay, thời tiết dịu mát, nhiệt độ khoảng 26 độ C.
Có mặt ở trường từ lúc 6h30, Thanh Duyên, học sinh lớp 7, trường THCS Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, háo hức vì được học ở ngôi trường mới.
"Đã tham quan một vòng từ hôm tựu trường nhưng em vẫn thích thú", Duyên cho biết. THCS Bình Trị Đông B là một trong 23 trường học mới được đưa vào hoạt động năm nay của thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thành phố đã chi hơn 540 tỷ đồng mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo 100% học sinh trên địa bàn có chỗ học. Trong bối cảnh dịch sởi lan rộng, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, yêu cầu nhà trường nắm danh sách học sinh đã tiêm vắc xin sởi, từ đó có kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho các em ngay những ngày đầu năm học mới.
Tại Nghệ An, hơn 926.000 học sinh đến từ 1.500 trường học cũng chính thức bước vào năm học mới.
Từ sáng sớm, 199 học sinh của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Tam Hợp, huyện Tương Dương, có mặt tại điểm trường chính để dự lễ khai giảng. Tam Hợp diện tích rộng, địa hình đồi núi phức tạp nên nhiều em phải vượt hơn 12 km đường đất, nhỏ hẹp, đèo dốc dựng đứng, hai bên là vực và sông sâu.
Cô Lương Thị Luyện, Hiệu trưởng, cho biết học sinh trên địa bàn chủ yếu là người Thái, Mông, Tày Pọng, đời sống còn nhiều khó khăn, bố mẹ chủ yếu làm rẫy. Sau niềm vui ngày khai giảng, thầy cô đối mặt với nhiều nỗi lo, trong đó có thiếu cơ sở vất chất để đảm bảo điều kiện dạy học.
"Công trình phụ, nhà nội trú của trường khá tạm bợ, mùa mưa bão sợ khó trụ nổi", cô Luyện nói.
Buổi sớm nay ở Đà Nẵng, trời khá âm u, song kịp nắng nhẹ trước giờ khai giảng. Đường phố nhộn nhịp học sinh trong đồng phục, khăn quàng đỏ, đạp xe hoặc được bố mẹ đưa đến trường. Cả thành phố có khoảng 65.500 trẻ mầm non, hơn 224.000 học sinh phổ thông. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, tất cả học sinh công lập của Đà Nẵng được miễn học phí.
Tại trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, thầy cô chào đón 621 học sinh mới ở khối 6, nâng tổng số học sinh toàn trường lên gần 2.300.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng, cho biết cũng như các trường học khác, mục tiêu của trường là hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới giáo dục đi vào chiều sâu đối với từng môn học.
Ông Phước kỳ vọng ngành tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, cắt giảm những phong trào, cuộc thi nặng hình thức, giảm áp lực hồ sơ, sổ sách với giáo viên.
Ở Cao Bằng, 117 học sinh và giáo viên Tiểu học Quang Vinh, xóm Lũng Nặm, huyện Trùng Khánh, chào năm học mới trong thời tiết nắng ráo.
Hơn một tuần trước, nơi đây bị ngập sâu đến 3 m sau đợt mưa lớn, khiến gần 1,5 tấn gạo ăn bán trú, bàn ghế và nhiều đồ dùng bị nhấn chìm. Hình ảnh thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Việt bơi vào trường kiểm tra các phòng học gây xúc động.
Thầy Việt cho biết những ngày qua, giáo viên và người dân tích cực dọn vệ sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhiều mạnh thường quân đã liên hệ, hỗ trợ 1,8 tấn gạo, hơn 80 bộ bàn ghế mới, cùng đệm ngủ, đồ dùng bán trú và quần áo cho học sinh.
"Nhà trường cơ bản đã đủ các đồ dùng phục vụ công tác dạy và học", ông nói.
Trường này nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Trùng Khánh. Trong 116 học sinh, chủ yếu là người dân tộc H'Mông và Nùng, khoảng 90% được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. Theo thầy Việt, nhiều phụ huynh không có tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập, trường đang tìm các nguồn để hỗ trợ.
Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô - đảo tiền tiêu xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, chỉ vẻn vẹn 5 học sinh tiểu học, ba học sinh mầm non. Các em đều là con em của các ngư dân tình nguyện ra sinh sống tại đảo.
Điểm trường có ba giáo viên, được điều động từ trường liên cấp Thanh Lân, theo nhiệm kỳ một năm một lần. Khi đến đây dạy học, các cô vài tháng mới có thể về nhà một lần.
Sáng nay, đảo không có mưa, nắng nhẹ. Em Phạm Xuân Phúc, lớp 2, nói rất vui, thích ngày khai giảng vì điểm trường sẽ được trang trí đẹp, nhiều người đến thăm. Nam sinh được bố giúp mặc quần áo đẹp, cầm cờ tổ quốc đến trường từ sớm.
Ở nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa khác, lễ khai giảng đều được chính quyền, thầy cô quan tâm, chuẩn bị chu đáo.
Khoảng hơn 8h, hầu hết trường học kết thúc lễ khai giảng. Theo tinh thần chung, buổi lễ được tổ chức gọn nhẹ, lấy học sinh là trung tâm, bảo đảm đây thực sự là ngày hội khai trường của học sinh.
Nhiều trường tổ chức giảng dạy ngay, có nơi cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian, trong khi một số sẽ bắt đầu chương trình vào ngày mai.
Năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 25 triệu người học, trong đó hơn 23 triệu ở bậc mầm non và phổ thông. Học phí các cấp từ 8.000 đến 220.000 đồng một học sinh mỗi tháng, tùy địa bàn. Đây là năm đầu tiên trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí.
Toàn ngành giáo dục có hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động, gần 54.000 trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là năm học quan trọng khi cả nước hoàn tất chu trình thay chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình được triển khai cuốn chiếu, áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Đến năm học này, việc thay sách ở cấp tiểu học đến lớp 5, cấp THCS đến lớp 9, cấp THPT đến lớp 12.
Ngành giáo dục đứng trước thử thách đổi mới đồng bộ các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, từ khâu giảng dạy tới ra đề, tổ chức tuyển sinh. Ngoài ra là những bài toán cũ, đã tồn tại dai dẳng, như thiếu giáo viên, quản lý dạy thêm, học thêm...
Bên cạnh đó, dự án Luật nhà giáo, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10, thông qua vào năm 2025, được kỳ vọng giúp nâng cao vị thế; tạo hành lang pháp lý cho các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, khen thưởng... giáo viên.
Nhóm phóng viên