-
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường ở Hà Nội
Từ 6h30, trên khắp ngả đường thủ đô, học sinh tiểu học được phụ huynh đưa đến trường dự lễ khai giảng. Những em cấp hai, cấp ba tự đi xe đạp đến. Các cổng trường sáng rực bởi băng rôn, cờ hoa và bóng bay.
Năm nay, Hà Nội có 1,8 triệu học sinh phổ thông. Nhiều trường học từ tháng 8, nhưng phải đến 5/9 mới làm lễ khai giảng theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại THCS Trưng Vương, cái nôi đào tạo nhiều trí thức, từ 7h học sinh trật tự xếp hàng chờ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và học sinh mới. Lê Phương Uyên, lớp 9M cho biết, ba năm học tại trường, đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước đến dự lễ khai giảng. "Cảm giác rất tự hào, em đã dậy sớm hơn để chuẩn bị", Uyên nói.
Có mặt tại trường THCS Trưng Vương lúc 7h20, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ làm lễ trước bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở sân trường, sau đó bước vào sân khấu trong tiếng vỗ tay chào đón của hàng trăm học sinh, giáo viên.
Đại biểu và học sinh toàn trường THCS Trưng Vương hát Quốc ca.
Sau nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu, khẳng định giáo dục vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là "quốc sách hàng đầu, đặt ở vị trí cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước".
Biểu dương thành tích trường Trưng Vương đạt được thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong năm học mới, nhà trường cần giữ vững truyền thống “thầy dạy hay, trò học giỏi”, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, khả năng kết nối, tinh thần hợp tác, phát triển hơn nữa văn hóa đọc, góp phần tạo hành trang kiến thức toàn diện.
"Các em cần nỗ lực học tập, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, để Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ mong muốn", Chủ tịch nước căn dặn học sinh. Ông đề nghị các cấp ngành chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, quan tâm những em có hoàn cảnh khó khăn.
Sau bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng và tham quan phòng truyền thống của trường Trưng Vương.
Hiệu trưởng nhảy cùng học sinh
Tại THPT Việt Đức (Hà Nội), từ 7h học sinh đã xếp hàng ngay ngắn ở sân trường. Đoàn học sinh lớp 10 diễu hành qua lễ đài trong sự chào đón của các anh chị lớp trên.
Chia sẻ rất yêu thích ngày khai giảng vì thầy trò được giao lưu sau ba tháng nghỉ hè, Trần Phương Thanh, 11N2 nói: "Học sinh Việt Đức luôn mong chờ khai giảng với sự bùng nổ của thầy hiệu trưởng. Em hy vọng năm học mới các kỳ thi kiểm tra sẽ nhẹ nhàng hơn, em và các bạn đạt thành tích cao nhất trong học tập".
Đúng 7h30, lễ khai giảng bắt đầu với các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình hâm nóng toàn trường khi thay comple bằng áo phông đỏ, đội mũ con gà và nhảy cùng học sinh. "2017 là năm con gà, tôi cũng tuổi gà", thầy dí dỏm.
Kết thúc điệu múa "Con gà con", Hiệu trưởng Bình nhắn nhủ học sinh: "Hôm nay không chỉ là ngày khai giảng mà còn là ngày lễ Vu Lan nhắc chúng ta nhớ về cội nguồn. Thầy luôn hy vọng các em trong những ngày qua đã có những lời nói và hành động yêu thương, cảm ơn cha mẹ mình. Nếu học sinh nào chưa làm điều đó, hãy thực hiện nó ngay hôm nay".
Ngay sau đó, thầy Bình cùng học sinh có màn nhảy sôi động, khép lại lễ khai giảng.
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình nhảy cùng học sinh.
-
Gần 1,7 triệu học sinh TP HCM khai trường
Từ sáng sớm, con đường nhỏ dẫn vào Trường tiểu học Yên Thế (quận Tân Bình) đông nghẹt phụ huynh đưa con đi khai giảng. Khác với học sinh khối lớn hớn hở gặp lại bạn sau kỳ nghỉ hè, gương mặt các bé lớp 1 háo hức xen lẫn hồi hộp, nắm tay cha mẹ không rời.
Trước khi buổi lễ bắt đầu, học sinh khối 5 đứng xếp hàng chào đón các bé lớp 1. Sân trường rộng hơn nghìn mét vuông thêm rộn rã khi thầy hiệu trưởng gửi những lời chúc mừng học sinh đầu cấp và dặn dò các em học giỏi, chăm ngoan.
Tại THPT Võ Văn Kiệt, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP HCM đến tham dự lễ khai giảng cùng hơn 1.000 thầy và trò. Với tư cách Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng dặn dò học sinh tuân thủ luật lệ giao thông, luôn đội mũ bảo hiểm cho mình và người thân khi đi xe máy. "Không để tai nạn giao thông gây ra đau thương, tang tóc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Bình nhắn nhủ các em.
Tỏ ra hồi hộp trước thềm năm học mới, Tô Thị Yến Nhi (lớp 11) mong muốn ngoài chương trình sách giáo khoa sẽ có thêm nhiều tiết học ngoại khóa, kỹ năng sống. Lâm Thanh Châu (lớp 12) lại hy vọng "kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng, không bị thay đổi liên tục khiến chúng em vất vả".
Số học sinh TP HCM năm nay tăng gần 60.000 so với năm học trước, trong đó khối công lập tăng hơn 40.000, tập trung ở cấp mầm non và tiểu học các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Những khu vực này đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao. Thành phố đã xây dựng mới gần 1.500 phòng học, đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, năm nay ngành giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Nhà trường sẽ chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Học sinh sẽ được tham gia tiết học ngoài nhà trường nhiều hơn nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn.
Giáo viên chia sẻ mong muốn trong năm học mới.
-
Đà Nẵng đào tạo toàn diện, không luyện 'gà nòi'
Trời Đà Nẵng dịu nắng giúp hơn 246.000 học sinh có lễ khai giảng thuận lợi. Nhiều bé lớp 1 xúng xính trong bộ đồng phục mới, được cha mẹ dẫn đến trường.
Tại THCS Hoàng Sa, trường công lập đầu tiên của cả nước mang tên quần đảo Hoàng Sa, 150 học sinh bước vào lớp 6 được các anh chị khóa trên chào đón trong không khí vui tươi, ấm cúng. Đây là năm thứ hai trường Hoàng Sa (quận Sơn Trà) khai giảng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng, cho biết năm học mới ngành giáo dục thành phố chủ trương không đào tạo “gà nòi” cho những cuộc thi, thay vào đó là dạy đều các môn, dạy kỹ năng sống như bơi lội, võ thuật, phổ cập từ cấp tiểu học… Thành phố sẽ xây thêm nhiều hồ bơi, thư viện mở tại trường học.
Theo ông Vĩnh, chương trình học hiện tại quá nặng, thành phố thực hiện theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục, nhưng cách tổ chức sẽ có nhiều cải tiến để giảm tải cho học sinh cũng như giáo viên. Giải pháp trọng tâm là tích hợp các môn học.
Khi còn là hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn, ông Vĩnh đã ghép hai tiết học thể dục với hai tiết hướng nghiệp hoặc giáo dục quốc phòng. Cách ghép này theo ông có hiệu quả vì học sinh sẽ không phải đi lại nhiều, việc tổ chức của nhà trường cũng nhẹ nhàng hơn. Riêng với giáo viên, lồng ghép các buổi họp vào một buổi sẽ giúp tiết kiệm được thời gian.
-
Thanh Hóa khen thưởng học sinh giành huy chương Olympic quốc tế
6h30, trong bộ đồng phục mới, hơn 1.000 học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn đã tập trung đông đủ dưới cờ chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng.
Nhà cách xa trường gần 40 km nên Vũ Việt Hùng, lớp 10A2 chuyên tiếng Anh, phải ở trọ. Chưa thể thích nghi ngay với môi trường học tập mới, Hùng còn nhiều lo lắng: “Em sẽ nỗ lực hết mình để có thể lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế và mong muốn giành được học bổng du học nước ngoài khi hoàn thành chương trình THPT”.
Học sinh Lam Sơn chia sẻ lo lắng trong năm học mới.
Là cái nôi đào tạo nhiều trí thức cho cả nước, Hiệu trưởng Chu Anh Tuấn cho hay năm học mới trường Lam Sơn sẽ làm tốt hơn công tác tuyển chọn, thu hút học sinh giỏi, có năng khiếu nhằm đào tạo các em tham dự kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Tại lễ khai giảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã biểu dương và trao phần thưởng cho học sinh, thầy cô giành thành tích cao trong học tập, giảng dạy. Trong đó có em Lê Quang Dũng, huy chương vàng Olympic Toán quốc tế; em Dương Tiến Quang Huy, huy chương bạc Olympic Sinh học…
-
Quảng Trị khích lệ học sinh noi theo quán quân Olympia 17
Tại trường THPT Hải Lăng, lễ khai giảng năm nay có thêm phần quan trọng - tuyên dương học sinh lớp 12 Phan Đăng Nhật Minh, quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17.
Ồng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gửi lời chúc mừng đến Nhật Minh vì đã mang lại vinh quang cho quê hương, đồng thời mong muốn giáo viên tiếp tục thực hiện được sứ mệnh cao cả, đào tạo được nhiều người tài.
“Tôi hy vọng nhiều học sinh cũng học tập, rèn luyện để vươn lên như Nhật Minh”, ông Hùng nói và nhấn mạnh tự học là quan trọng nhất, học để lập thân lập nghiệp.
-
Nữ sinh Huế khai trường trong tà áo dài và nón lá
Từ 7h sáng, hơn 220.000 học sinh Thừa Thiên Huế đã tề tựu tại các trường học để dự lễ khai giảng. Tại THPT Hai Bà Trưng, học sinh xếp hàng bước vào cổng trường, nơi có hai dãy dài nữ sinh trong trang phục áo dài trắng, cầm nón lá chào đón.
Nữ sinh Huế mặc áo dài xếp hàng chào đón các bạn.
Năm học vừa qua, Thừa Thiên Huế có hai học sinh THPT Quốc học Huế đoạt giải Olympic quốc tế. Đó là Trương Đông Hưng, huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế; Nguyễn Huy Hoài Lâm, giải đồng Olympic Tin học quốc tế.
-
Hơn 2.800 học sinh Cần Thơ học nhờ trường khác
Sáng 5/9, trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức khai giảng tại hội trường trung tâm giáo dục thường xuyên. Do sức chứa hội trường có hạn, chỉ 122 em đại diện cho hơn 2.800 học sinh cùng khoảng 60 giáo viên và đại biểu đến dự lễ.
“Trường THCS Đoàn Thị Điểm xuống cấp nặng, đang được đầu tư xây dựng mới, dự kiến đến giữa năm 2019 mới xong. Do vậy, năm học này, học sinh phải học tạm tại trường THCS Lương Thế Vinh và Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều”, thầy Võ Thành Tâm nói. Lãnh đạo nhà trường đã động viên học sinh và giáo viên cố gắng khắc phục đường xá xa xôi để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm học này, Cần Thơ có hơn 240.000 học sinh các cấp. Hiện thành phố có 261 trên tổng số 455 trường đạt chuẩn quốc gia; với gần 15.400 công chức, viên chức và người lao động (giáo viên trên chuẩn đạt 80%).
-
Nhiều học sinh miền núi vượt suối đến trường dự khai giảng
Gần 150 học sinh tại các điểm trường cách xa trường trung tâm 20-40 km đã đi bộ, chèo bè qua sông để kịp về dự lễ khai giảng tại Trường dân tộc bán trú THCS và tiểu học Pá Mỳ (Mường Nhé, Điện Biên). Con suối chảy qua bản Huổi Lụ 1 (xã Pá Mỳ) vào mùa mưa nước sâu năm mét, lòng suối rộng 40 m khiến thầy trò chỉ còn cách chèo bè để vượt qua.
"Trước giờ khai giảng, tôi phải đi đón các em thì mới yên tâm. Vào mùa mưa, việc bơi qua sông lấy bè chở học sinh đi học khi dòng nước lớn chảy xiết là chuyện thường xuyên", thầy Lò Văn Việt (giáo viên trường Pá Mỳ) nói.
Không chỉ Pá Mỳ (Điện Biên), tại nhiều điểm trường ở miền núi phía Bắc - nơi hứng chịu đợt mưa lũ kéo dài cả tháng qua khiến nhiều ngôi trường sạt lở, hư hỏng - học sinh cũng khai giảng nhờ trụ sở cơ quan khác.
-
Bộ trưởng Giáo dục gửi thư cho học sinh ngày khai trường
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2017-2018, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã viết thư thăm hỏi và chúc mừng học sinh, giáo viên cả nước.
Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục, ông Nhạ trân trọng cảm ơn các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, nhân viên trong toàn ngành đã cùng nhau chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, nhất là thầy cô đang công tác ở địa bàn khó khăn.
"Tôi nhiệt liệt biểu dương học sinh, sinh viên đã có cố gắng, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của gia đình và thầy cô", ông Nhạ viết.
Năm học mới, ngành giáo dục đứng trước những thuận lợi, nhưng cũng nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực nhiều hơn nữa. "Tôi mong học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, khắc phục khó khăn, phấn đấu trong học tập và rèn luyện, góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội", ông Nhạ viết.
Nữ sinh ba miền rạng rỡ trong ngày khai giảng.
-
Cả nước có 22,3 triệu học sinh, sinh viên
Chiếm số lượng đông đảo nhất là học sinh tiểu học 7,8 triệu; THCS 5,2 triệu; mầm non, 5,1 triệu; THPT là 2,5 triệu; sinh viên 1,7 triệu. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, từ trước đó học sinh nhiều trường đã tập luyện văn nghệ, tập đội ngũ...
Năm học 2017-2018, ngành giáo dục đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc quá tải trường lớp ở các đô thị lớn, thiếu phòng học kiên cố ở vùng sâu; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, nhưng lại thừa giáo viên THPT, năng lực của một bộ phận thầy cô không đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam cũng là bài toán đau đầu nhiều năm qua, khi đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 bị đánh giá hiệu quả thấp. Sau 10 năm học tiếng Anh (bắt đầu từ lớp 3), học sinh không thể giao tiếp được.
Bên cạnh tồn tại lâu năm ở trên, có một số vấn đề mới phát sinh, như hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia theo hướng ra đề có tính phân loại cao hơn; siết chặt đầu vào ngành sư phạm. Điểm chuẩn trường sư phạm năm học này thấp kỷ lục, nhiều đại học chỉ lấy bằng mức sàn -15,5, có trường cao đẳng tuyển thí sinh trung bình mỗi môn chỉ 3 điểm.
Nhóm phóng viên