Chiều 5/8, 25 người gồm 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, một cử nhân xét nghiệm, hai kỹ thuật viên hình ảnh, hai y sĩ và một hộ sinh, được Sở Y tế Bình Định lập thành Đoàn Công tác Y tế đi Đà Nẵng hỗ trợ ứng phó chống dịch Covid-19. Đội ngũ đến từ các bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Bồng Sơn, các trung tâm y tế Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn.
Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên, từ những thành phố lớn của hai miền Nam, Bắc, tăng cường lực lượng cho Đà Nẵng và Quảng Nam. Đến nay, đội ngũ chi viện đã lên tới khoảng 200 bác sĩ, chuyên gia.
Ngày 4/8, Bệnh viện Chợ Rẫy điều động đội phản ứng nhanh số 5 đến hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Đội số 5 gồm điều dưỡng trưởng khoa Thận nhân tạo Nguyễn Trần Đức và điều dưỡng Lê Hữu Trạng, khoa Hồi sức ngoại thần kinh. Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử tổng cộng 13 nhân viên y tế tiếp sức cho thành phố tâm dịch.
Cùng ngày, tại Hà Nội, hai chuyên gia đầu ngành gồm bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn và bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng lên đường vào Bệnh viện Trung ương Huế.
Một ngày trước khi đi, bác sĩ Cấp chia sẻ: "Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Covid 19 trước đây nên có chút ít kinh nghiệm, hy vọng sau khi vào miền Trung, chúng tôi có thể truyền tải những kinh nghiệm ấy giúp đồng nghiệp".
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đến nay đã điều trị thành công hơn 100 bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc.
Trong đêm 3/8, Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cùng 11 bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã quyết định đi ôtô vào chi viện cho Bệnh viện Trung ương Huế, do không có chuyến bay vào Huế. Trường Đại học Y Hà Nội cũng cử tổ công tác gồm 7 người và một lãnh đạo nhà trường đến Quảng Nam để hỗ trợ công tác xét nghiệm. Ê kip về xét nghiệm, gồm các chuyên gia về lấy mẫu, mã hóa đến xử lý mẫu, làm và chạy kết quả xét nghiệm nCoV...
Ngày 30/7, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng nhóm y bác sĩ đã lên đường chi viện cho Đà Nẵng. Đến nay, có khoảng 40 y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ cho các cơ sở y tế miền Trung.
Thành phố Hải Phòng cử 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng vào thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam để hỗ trợ chăm sóc y tế. Trong đó, 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng của Bệnh viện Việt Tiệp; ba bác sĩ và 10 điều dưỡng từ Bệnh viện Kiến An.
Bộ Y tế đã thành lập ba Đội công tác đặc biệt, bao gồm: đội điều tra giám sát dịch, đội điều trị và đội xét nghiệm, nhằm giúp đỡ công tác ứng phó với đợt bùng phát mới. 65 chuyên gia có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trong giám sát, điều trị, xét nghiệm và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Lực lượng y bác sĩ từ các bệnh viện tỉnh thành tăng cường, tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân, xét nghiệm, truy vết dịch tễ trong cộng đồng. Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy còn tham gia thành lập đơn nguyên Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; đội bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, sẽ chạy thận cho bệnh nhân Covid-19.
Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 9 nhân viên y tế nhiễm nCoV. 8 người tại Đà Nẵng và một người ở Đồng Nai.
Kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 155 trường hợp dương tính, trong đó 6 bệnh nhân đã tử vong. 9 nhân viên y tế nhiễm nCoV, trong đó 8 người tại Đà Nẵng, một bác sĩ ở Đồng Nai liên quan Đà Nẵng.Thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và xét nghiệm diện rộng nhằm giảm kiểm soát sự lây lan của dịch.
Thục Linh - Lê Nga - Lê An