Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, ngày 16/10 cho biết trước đó người bệnh nhiều lần đau bụng, ở nhà tự dùng thuốc. Đợt này cơn đau kéo dài ba ngày, uống thuốc không bớt nên chị vào viện khám. Hình ảnh siêu âm cho thấy nhiều sỏi và bùn ở túi mật, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm túi mật cấp do sỏi, chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
Các bác sĩ phát hiện trong túi mật bệnh nhân có hơn 200 viên sỏi. Bác sĩ Nguyễn Bá Trình, Phó giám đốc, cho biết đây là trường hợp viêm túi mật do sỏi rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt là nữ. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng cấp tính nguy hiểm như viêm túi mật, áp xe túi mật, viêm phúc mạc mật, sốc nhiễm trùng đường mật, nặng hơn thì ung thư túi mật, tử vong.
Sỏi mật là tình trạng lắng đọng sắc tố mật hình thành nên bùn mật hoặc viên sỏi trong lòng đường mật, gây ứ trệ và tắc nghẽn sự lưu thông mật. Đây là một trong những bệnh lý về túi mật thường gặp. Bệnh nhân cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Biểu hiện sỏi mật ở mỗi người không giống nhau. Vị trí của sỏi trong cơ thể dẫn đến dấu hiệu khác nhau của bệnh. Triệu chứng điển hình chung là đau hạ sườn phải. Cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi.
Bệnh nhân sốt, ớn lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật; sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi hạ sốt; rối loạn tiêu hóa; vàng da. Tùy tiến triển của sỏi mật, mức độ vàng da của người bệnh khác nhau. Triệu chứng này thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều.
Sỏi mật còn gây ra các biến chứng mạn tính như xơ gan mật và ung thư đường mật. Đường mật trong gan dần bị phá hủy, các chất độc hại tích tụ trong gan, đôi khi dẫn đến sẹo của mô gan (xơ gan).
Phụ nữ nguy cơ cao bị sỏi mật hơn nam giới. Người ít vận động, ngồi nhiều, thừa cân béo phì, đái tháo đường và trên 60 tuổi; người có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hoặc quá kiêng khem... cũng dễ bị sỏi mật.
Để phòng ngừa sỏi túi mật, bác sĩ khuyến cáo thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất. Kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh, giảm mỡ, chất béo, tăng lượng rau quả tươi giàu Vitamin B, C để tăng chuyển hóa chất béo và tinh bột. Tẩy giun định kỳ để tránh nhiễm trùng và ký sinh trùng đường tiêu hóa.
Người bệnh sỏi mật nói riêng, các bệnh lý về gan, mật nói chung, không nên tự ý sử dụng thuốc. Cần khám thường xuyên tại các cơ sở y tế, sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.