Thứ hai, 25/11/2024
Thứ năm, 18/11/2021, 11:43 (GMT+7)

Hơn 200 người cầu siêu cho nạn nhân Covid-19

TP HCMTrong tiếng chuông và lời kinh kệ, các phật tử tại chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10) cùng cầu siêu cho các nạn nhân Covid-19, sáng 18/11.

Do dịch bệnh vẫn phức tạp, đại lễ cầu siêu hạn chế tập trung đông người, với khoảng 200 phật tử, đại diện các quận huyện có mặt tại chùa Việt Nam Quốc Tự. Mọi người khi vào hội trường phải khai báo y tế và xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chỗ.

8h, đại lễ kỳ siêu cho nạn nhân Covid-19 mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm, các chư tôn đức tăng, phật tử đã có mặt, sửa soạn y phục và kinh kệ để chuẩn bị cho buổi lễ.

Hội trường với sức chứa khoảng 1.000 người nhưng nay được hạn chế, các hàng ghế được xếp giãn cách để đảm bảo phòng dịch.

Chương trình bắt đầu bằng nghi lễ đại chúng. Các tăng ni mang kiềng trì và trầm hương cung thỉnh Đại Tăng quang lâm lễ đài cử hành đại lễ.

Các chư tôn đức tăng, phật tử... cùng chắp tay cầu nguyện và dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân tử vong do đại dịch.

Sau phút mặc niệm, chư tôn giáo phẩm cùng đại diện lãnh đạo thành phố lên trước án thờ làm nghi lễ niệm hương cầu siêu tưởng niệm trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khu gian chính thờ Phật và các Bồ tát được bài trí giản dị, trang trọng.

Các sư thầy thực hiện nghi lễ niệm hương, cầu siêu trong 10 phút. Những phật tử không tham gia được buổi lễ có thể theo dõi và cầu nguyện trực tuyến.

Dưới hội trường, thầy Thích Thông Đức (trụ trì chùa Phú Hòa, quận Tân Bình) thành kính thực hiện nghi lễ. "Đại dịch đã để lại nhiều đau thương, mất mát lớn lao. Theo quan niệm Phật giáo, tử vong trong hoàn cảnh dịch bệnh như vừa qua là cái chết không bình thường, được gọi là 'hoạnh tử', do vậy rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần", ông nói.

Sau nghi lễ đại chúng, mọi người cùng đọc Kinh Di Đà để cầu siêu trong 45 phút. Sau đó diễn ra lễ cúng tiến linh để mời cơm cho các vong hồn.

Tham dự lễ còn có những người thân nạn nhân Covid-19 tại TP HCM. Trong tiếng chuông và gõ mõ, mọi người cùng chú tâm đọc kinh để tiến linh vong hồn.

Bà Phan Thị Xuân Trường (quận Tân Bình) bật khóc khi cầu nguyện cho người mẹ 72 tuổi qua đời vì nhiễm nCoV. "Tôi đến dự lễ để cầu cho linh hồn mẹ sớm siêu thoát. Hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc, mọi người được trở về cuộc sống bình thường như trước", bà Trường nói.

Trong buổi đại lễ cầu siêu, một số người thân nạn nhân chưa đăng ký vào kịp, đứng trước của chùa vái vọng.

9h, bà Mạch Từ Thể Hồng một mình từ nhà cách đó 3 km, đến chùa chắp tay cầu nguyện cho người mẹ 93 tuổi qua đời cách đây hai tháng. "Con trai tôi cũng bị nhiễm nhưng sớm khỏi bệnh", người phụ nữ 67 tuổi nói.

Buổi đại lễ cầu siêu kết thúc lúc 10h15.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt Covid-19, trong đó riêng đợt dịch thứ tư số ca mắc đã vượt mốc một triệu. Tổng số ca tử vong đến hết ngày 17/11 là 23.337, chiếm 2,2% tổng số ca nhiễm.

Tối 19/11, Lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (quận 1). Cùng thời gian trên, thành phố tổ chức thả hoa đăng, vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... đậu tại các cảng kéo còi tưởng niệm.

Việt Nam Quốc Tự được xây dựng từ năm 1963, sau cuộc đấu tranh bất bạo động phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo tại miền Nam. Năm 2017, chùa được xây mới và mở rộng. Điểm nhấn là bảo tháp 13 tầng, cao 63 m - nơi tôn thờ xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân Covid-19
 
 

Người thân nạn nhân Covid-19 chia sẻ tại đại lễ cầu siêu. Video: Điệp Nguyễn - Công Khang

Quỳnh Trần