Đây là con số thống kê vừa được Tổng cục Quản lý thị trường công bố. Theo cơ quan này, trong gần một tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã có 16.000 lượt kiểm tra, giám sát với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng chủ yếu ở khu vực miền Nam, ít xảy ra tại miền Bắc và Trung.
Nguyên nhân được Cơ quan quản lý thị trường cho biết, phần lớn do không đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán.
Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển hàng hoá tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm, nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ; nhân viên bán hàng bị mắc Covid-19, hay cửa hàng tạm dừng bán do thiếu vốn để đặt, nhập hàng...
Chẳng hạn, tại Vĩnh Long, thời gian trước và sau Tết Nguyên đán có 7 cửa hàng đóng cửa và được Sở Công Thương chấp thuận. Hiện các cửa hàng này đã hoạt động bình thường. Một cửa hàng hết xăng, đóng cửa dừng bán nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và bị xử phạt.
Hiện TP HCM có 548 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 5 cửa hàng tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng thiếu xăng RON 95 để bán. Số cửa hàng này cho biết đang chờ được tiếp thêm hàng từ các đầu mối để tiếp tục kinh doanh.

Một cây xăng ở TP HCM đóng cửa vì thiếu xăng, đầu tháng 2/2022. Ảnh: Linh Đan
Tại Hậu Giang, hai cửa hàng xăng dầu đóng cửa, bị đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương xử phạt và kiến nghị rút giấy phép. Tương tự, tại Sóc Trăng, một cửa hàng xăng dầu cũng bị quản lý thị trường xử phạt, tước giấy phép kinh doanh do vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Hay tại Đăk Lăk, 8 trong 462 cửa hàng xăng dầu của tỉnh này đang tạm nghỉ, dừng bán hoặc chỉ bán dầu. Quản lý thị trường cho biết, không phát hiện trường hợp găm hàng chờ nâng giá, trục lợi, gây tâm lý bất an cho người dân.
Tại Hà Nội, quản lý thị trường phát hiện 3 cửa hàng dừng bán, trong đó một cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, một cửa hàng do nhân viên mắc Covid-19 và một cửa hàng đóng cửa do tranh chấp dân sự đã được Sở Công Thương Hà Nội đồng ý cho tạm dừng bán.
Ở các địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Nguyên... lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện một, hai cửa hàng xăng dầu ngừng bán khi chưa thông báo với cơ quan quản lý, và đã bị xử phạt 15-30 triệu đồng.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 34% tổng lượng xăng dầu cả nước năm 2021, giảm công suất từ trung tuần tháng 1 do khó khăn về tài chính. Các doanh nghiệp đầu mối lớn đã tăng nhập khẩu xăng dầu, nhưng do hàng chưa cập cảng khiến việc đứt đoạn cung vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc này dẫn tới thực tế nhiều cửa hàng xăng dầu, nhất là ở phía Nam, thiếu hàng cục bộ.
Bộ Công Thương cho biết, đến cuối tháng 2 sẽ có thêm khoảng 650.000 m3, tấn xăng dầu được các doanh nghiệp đầu mối nhập về, cập cảng. Trong khi đó, tình hình sản xuất của Nghi Sơn hiện vẫn chưa khả quan, ở mức 55-60% công suất và nhà máy này phải tới đầu tháng 4 mới hoạt động trở lại 100% công suất.
Ngày 21/2, giá xăng, dầu bán lẻ đã tăng thêm gần 1.000 đồng một lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất lịch sử, 26.280 đồng một lít. Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra đột xuất các cửa hàng xăng dầu, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ áp dụng các hình thức xử phạt hoặc đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh...
Anh Minh