Ngày 14/1, Diệu (Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, Giám đốc Công ty Kiến Lâm) cùng 20 người khác bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) Công an TP HCM bắt tạm giam về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Cảnh sát dùng 11 xe tải chở tang vật 'khủng'
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, trinh sát PC03 phát hiện đường dây có biểu hiện sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, phong ngứa, dạ dày, tim mạch, thần kinh... Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định, vợ chồng Diệu có vai trò cầm đầu. Họ đứng tên 2 công ty tại quận Bình Tân và quận 8 để làm bình phong kinh doanh dược phẩm, nhưng thực tế là âm thầm lập kho, xưởng, máy móc để sản xuất các loại đông y, tân dược giả.
Sau khi PC03 có đủ chứng cứ, thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP HCM, trực tiếp chỉ đạo phối hợp Công an quận 4 và 8 phá án. Ngay sau đó, nhiều tổ công tác đã đồng loạt ập vào 4 địa điểm là nơi chứa nguyên liệu, hàng giả thành phẩm, bắt vợ chồng Diệu và những người liên quan.
Cảnh sát thu giữ gần 1.200 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có hơn 56.000 sản phẩm giả, còn lại là hàng chưa thành phẩm); nhiều hệ thống máy móc, 1,6 tấn bột để sản xuất viên nén, bao bì, tem mác, các loại...
Trong đó có tổng cộng 33 loại sản phẩm giả mang tên: Xương Khớp Khắc Tinh, Tỷ Thống An Khang, Xạ Hương Linh Chi Đơn, Ngứa An Khang , An Trĩ Khang, Khang Vị An, Tọa Cốt Thần Kinh Thống... với nơi sản xuất ghi trên vỏ hộp là "doanh nghiệp tại Singapore, Malaysia".
Nhà chức trách phải dùng 11 xe tải mới vận chuyển hết số thuốc giả và các tang vật khác.
Chiêu 'qua mắt' lực lượng chức năng
Cơ quan điều tra xác định, vợ chồng Diệu sản xuất thuốc giả từ năm 2018. Dù không có chuyên môn về y dược, nhưng hai bị can đã tìm hiểu, mua nguyên liệu đông y, hoạt chất tân dược có cùng công dụng chữa một số bệnh đem về trộn lẫn, nghiền thành bột, rồi dùng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng lọ thành phẩm.
Để giữ bí mật, vợ chồng Diệu thuê các xưởng in ấn bao bì, tem, nhãn; tuyển16 nhân viên là người thân, họ hàng để sản xuất, quản lý kho nguyên liệu, thành phẩm. Chỉ riêng năm 2024, đường dây này đã sản xuất số thuốc giả trị giá hơn 45 tỷ đồng, tiêu thụ trót lọt ra thị trường là 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, nắm nhu cầu người tiêu dùng thường có tâm lý sính ngoại, vợ chồng Diệu không làm giả các thương hiệu thuốc đang lưu hành trên thị trường mà tự nghĩ ra tên một công ty "ma" trụ sở ở Malaysia và Singapore. Họ thừa nhận làm như vậy sẽ "dễ tiêu thụ" trên thị trường, còn nếu bị kiểm tra thì cơ quan chức năng khó truy nguồn gốc, xuất xứ.
Mua hoạt chất sản xuất thức ăn gia súc để chế biến thuốc tây giả
Quá trình điều tra, PC03 còn phát hiện một số doanh nghiệp có vi phạm trong việc nhập khẩu, kinh doanh các hoạt chất tân dược; thiếu quản lý, bán chưa đúng đối tượng, yêu cầu, mục đích khi đăng ký nhập khẩu. Việc này được cho là tạo sơ hở để Diệu và đồng phạm thu mua các nguyên liệu hoạt chất tân dược để sản xuất thuốc giả.
"Cá biệt, có các hoạt chất được nhập khẩu, phân phối phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng được bán trôi nổi ra thị trường và Diệu đã mua về sản xuất thuốc uống cho người", cơ quan điều tra xác định.
Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Chuyên án triệt phá đường dây này của PC03 diễn ra trong bối cảnh Công an TP HCM mở cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2025.
Quốc Thắng