Thứ tư, 24/4/2024
Chủ nhật, 25/9/2022, 02:40 (GMT+7)

Hơn 2.000 người múa xòe nhận bằng di sản

Yên BáiHàng nghìn người dân tộc Thái cùng múa đại xòe trong buổi lễ đón nhận bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tối 24/9.

Lễ đón nhận bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra tại sân vận động thị xã Nghĩa Lỗ, Yên Bái.

Sân vận động với sức chứa hơn 7.000 người. Ban tổ chức đã huy động hơn 3.000 người phục vụ buổi lễ, trong đó tiết mục đại xòe có sự tham gia của 2.022 người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Bí thư tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng đồng bào dân tộc Thái múa xòe.

Các động tác múa cơ bản là giơ tay lên cao mở ra, hạ xuống, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về sau nắm tay người bên cạnh bước đi nhịp nhàng.

Theo truyền thống của người Thái điệu xòe thể hiện tinh thần đoàn kết, vũ điệu đơn giản nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp cộng đồng.

Xòe Thái có hơn 30 loại hình là xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa. Trong ảnh là xòe khau cút - một biểu tượng kiến trúc của người Thái.

Ngoài màn đồng diễn múa xòe, buổi lễ cũng có các chương kể về phong tục tập quán của người Thái. Trong đó có trích đoạn Dự bản lập mường.

Video ghép bài múa xoè (bản chuẩn)
 
 

Video: Giang Huy - Gia Chính

Một phối cảnh mẹ và con cùng nhau phơi thóc thể hiện văn hóa nông nghiệp của đồng bào dân tộc Thái.

Bà Lê Hải Yến, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật Xoè Thái - Tinh hoa miền di sản cho biết để có được màn đồng diễn này, ê-kíp hơn 3.000 người đã tập luyện bất kể nắng, mưa trong suốt một tháng qua. Ngoài ra, để làm nổi bật các nét đặc trưng của đồng bào Thái, đơn vị tổ chức đã tham khảo nhiều người có tiếng nói trong cộng đồng dân tộc Thái.

Một phong tục đặc trưng của người Thái là búi tóc cho con gái trước khi lấy chồng cũng được tái hiện ở buổi lễ.

Người phụ nữ Thái khi về nhà chồng sẽ dệt khăn piêu để làm quà cho gia đình chồng.

Vẻ đẹp của người phụ nữ Thái thể hiện qua màn múa "tắm suối".

Thời tiết tối 24/9 tại khu vực diễn ra lễ nhận bằng di sản có mưa lớn, tuy nhiên hàng nghìn người vẫn đổ về sân vận động để xem các màn đồng diễn.

Đại diện UNESCO trao bằng chứng nhận di sản cho đại diện bốn tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhận xét xòe Thái giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. "Nghệ thuật xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa", bà nói.

Giang Huy - Gia Chính