Khuyến cáo này xuất hiện từ một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều thức uống chứa đường có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư và liên quan đến cái chết của 184.000 người mỗi năm.
Phát hiện của họ được công bố trên Circulation - một tạp chí của AHA. Giáo sư Gitanjali Singh từ Đại học Tufts ở Boston, Mỹ và các đồng nghiệp của mình đã có 62 cuộc điều tra liên quan đến 611.971 người trên 51 quốc gia về thói quen tiêu thụ đường của nhóm người từ năm 1980 đến 2010. Cụ thể, họ tập trung phân tích tác động của đồ uống có đường làm tăng số lượng các ca tử vong vì các bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư ra sao.
Trong nghiên cứu này, đồ uống có đường bao gồm soda, nước uống tăng lực, nước trái cây đóng hộp, nước ngọt có ga, trà đá ngọt và đồ uống có đường tự chế. Nghiên cứu này loại trừ 100% nước ép trái cây nguyên chất.
![nuoc-ngot-1435655968-6831-1437088924.jpg](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/07/17/nuoc-ngot-1435655968-6831-1437088924.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YKYikHIxDpzVITVAAR75oA)
Nước ngọt làm 184.000 người chết mỗi năm trên toàn cầu. Ảnh: AFP.
Giáo sư Gitanjali Singh (dẫn đầu nhóm nghiên cứu) và các đồng sự đã ước tính được rằng, có khoảng 184.450 ca tử vong trên toàn thế giới vì tiêu thụ thức uống chứa đường, với 133.000 ca tử vong do bệnh tiểu đường, 45.000 ca tử vong do bệnh tim mạch và 6.450 người tử vong do ung thư. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về mức độ tiêu thụ thức uống chứa đường thay đổi theo tuổi tác, giới tính, dân cư... trên 187 quốc gia trong 20 năm để xác định các tác động của nó đến tỷ lệ tử vong.
Trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người tử vong cao vì thức uống chứa đường thì Mexico đứng đầu, với 405 ca tử vong/1 triệu người lớn, Mỹ có tỷ lệ cao thứ hai (khoảng 125 ca tử vong/1 triệu người lớn).
Kết quả nghiên cứu chứng minh việc tiêu thụ nhiều thức uống chứa đường có liên quan trực tiếp đến nguy cơ phát triển bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư. Thế nhưng, mức độ tiêu thụ thức uống chứa đường của người dân ở khắp nơi trên thế giới đã tăng “chóng mặt” trong những năm qua.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu trong năm 2011 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết rằng, nam giới đã tiêu thụ trung bình 178 calo từ thức uống chứa đường mỗi ngày, trong khi phụ nữ tiêu thụ khoảng 103 calo từ thức uống chứa đường mỗi ngày.
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta cần phải cắt giảm lượng tiêu thụ thức ăn và thức uống chứa nhiều đường mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Ngoài ra, tháng 1/2015, tờ Medical News Today đưa một nghiên cứu cho thấy những cô gái thường xuyên uống nước ngọt thường có kinh nguyệt sớm hơn những cô gái bình thường.
"Sử dụng nhiều nước ngọt cũng làm dấy lên mối lo ngại về tương lai", Giáo sư Singh nói: "Nếu những người trẻ này tiếp tục tiêu thụ đường ở mức cao, khi lớn lên họ sẽ nhanh lão hóa và dễ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường sớm hơn thế hệ bây giờ”. Giảm nước uống có đường phải là một ưu tiên toàn cầu, theo ông.
Hội An (Theo AFP, Independent)