Nội dung được đề cập trong Đề án quản lý và phát triển nhà kính sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh. Kinh phí thực hiện đề án phần lớn là của tổ chức, cá nhân với gần 173 tỷ đồng. Người dân, doanh nghiệp chuyển đổi nhà kính sẽ được nhà nước phối hợp các ngân hàng cho vay thế chấp.
Công nghệ nhà kính được các doanh nghiệp, nhà vườn sử dụng tại Lâm Đồng khoảng 20 năm nay với gần 4.500 ha. Trong đó, TP Đà Lạt chiếm 57% với 2.500 ha. Ngoài ra, huyện Lạc Dương có 942 ha nhà kính (21,7%), Đơn Dương 340 ha (7,8%), Đức Trọng 193 ha (4,5%), Lâm Hà 280 ha (6,5%)... Phần lớn nhà kính trên địa bàn là loại đơn giản do người dân tự lắp ráp bằng tầm vong, sắt; loại hiện đại nhập khẩu chỉ chiếm 3,8%.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, bên cạnh lợi ích kinh tế do công nghệ nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển quá nhanh, thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng mỹ quan đô thị, môi trường; nhiều loài thiên địch trong nhà kính giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên; sử dụng nhiều nhà kính không đạt chuẩn sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét...
Đề án đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn nhà kính tại khu vực nội ô, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt; đồng thời chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát, xác định các vùng được phép lắp đặt nhà để hỗ trợ người dân nâng cấp, chuyển đổi nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường.
Lâm Đồng có diện tích 978.330 ha, trong đó gần 1/3 là đất sản xuất nông nghiệp. Doanh thu bình quân trên diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 178 triệu đồng mỗi ha.
Phước Tuấn