Theo Dữ liệu của Liên đoàn sữa thế giới (IDF) năm 2020, có ít nhất 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang được thụ hưởng chương trình sữa học đường. Nhiều quốc gia ngày càng nhìn nhận tầm quan trọng của chương trình đối với việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho trẻ.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường
Chương trình Sữa học đường hiện được 68 quốc gia phát triển triển khai từ rất sớm như Mỹ, Canada, Đức, Úc và rất phổ biến tại nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc... Theo báo cáo của IDF, Mỹ là quốc gia có số học sinh được uống sữa tại trường học nhiều nhất với 30 triệu trẻ em, tiếp đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước đang triển khai chương trình ghi nhận sự cải thiện về dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc của trẻ em.
Theo báo cáo năm 2007 tại Nhật Bản, thông qua chương trình Sữa học đường, 7,08 triệu trẻ em trong 99,2% trường tiểu học và 2,9 triệu học sinh trong 85,8% trường trung học cơ sở có bữa trưa hoàn chỉnh. Thái Lan cũng triển khai chương trình từ năm 1992 cho trẻ 3-12 tuổi, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống dưới 10% năm 2006 và sau 18 năm, đến năm 2010, chiều cao tăng thêm 5 cm mỗi năm.
Ngày 30/9/2020, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hưởng ứng 21 năm ngày Sữa học đường Thế giới (do Tổ chức Nông lương Thế giới - FAO phát động) nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc uống sữa tại trường học đối với sự phát triển của trẻ.
Theo bà Caroline Emond, Giám đốc điều hành của Liên đoàn sữa thế giới (IDF), nhiều nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa chất lượng giáo dục, chính sách về bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng học đường, chẳng hạn như Sữa học đường đóng góp tích cực cho sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên.

Học sinh tại Mỹ ăn trưa và uống sữa tại trường học. Ảnh: Driftwood dairy.
Trong năm 2020, biến động của Covid-19 và kinh tế sụt giảm được cho là có thể tác động trực tiếp đến đối tượng trẻ em. Theo một báo cáo mới đây của UNICEF, hơn 350 triệu học sinh ở các quốc gia phải đóng cửa trường học do Covid-19, có thể không được tiếp cận với các chương trình thực phẩm và dinh dưỡng trường học. Tổ chức này cũng kêu gọi những hành động cần thiết từ các quốc gia trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em.
Nỗ lực triển khai sữa học đường ở Việt Nam
Tại Việt Nam, chương trình Sữa học đường được triển khai từ khá sớm tại một số địa phương, đầu tiên tại Bà Rịa Vũng Tàu vào năm 2007, tiếp đến vào năm 2013 tại Bắc Ninh và Đồng Nai năm 2014. Với những hiệu quả từ thực tế triển khai, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua hoạt động uống sữa tại trường học, nâng cao tầm vóc và thể lực trẻ em mẫu giáo, tiểu học, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Từ đó đến nay, nhà nước, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đưa hoạt động này đến nhiều trường mầm non, tiểu học. Với hình thức xã hội hóa, địa phương và doanh nghiệp sẽ cùng nhau hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí uống sữa, nhờ đó, chương trình giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình phụ huynh, góp phần đảm bảo nguồn dinh dưỡng chất lượng, an toàn cho trẻ em tại trường.
Sau nhiều năm triển khai, chương trình Sữa học đường tại một số tỉnh đã thu được một số kết quả đáng khích lệ đối với việc cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh như tại Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 26,9% năm 2013 đã giảm còn 23,6% trong năm 2020. Số trẻ em tham gia chương trình ban đầu chỉ khoảng 11.000 học sinh nhưng sau 7 năm thực hiện đã tăng lên hơn 211.000 học sinh. Điều này cho thấy sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh đối với chương trình.
Còn tại Khánh Hòa, chỉ sau một năm học thực hiện tại 2 huyện trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ đăng ký cho trẻ tham gia chương trình đã tăng từ gần 21.000 em lên hơn 31.000, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm rõ rệt từ 28,5% còn 20,06% trong năm 2020.
Tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... kinh phí uống sữa do địa phương và Vinamilk (công ty triển khai và cung cấp sữa) tài trợ hoàn toàn. Nhờ các chính sách hỗ trợ đó, từ khi mới bắt đầu triển khai, Sữa học đường nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và sự ủng hộ từ nhà trường, nhất là khi Covid-19 đang ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều gia đình.

Học sinh mầm non, tiểu học tại 6 huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Nam được uống sữa hoàn toàn khi đến trường từ 1/6/2020. Ảnh: Đắc Thành.
Hiện nay có 26 tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... tổ chức uống Sữa học đường cho trẻ mầm non, tiểu học.
Vào đầu năm học mới 2020-2021 vừa qua, dù còn nhiều trở ngại vì Covid-19 nhưng tại nhiều địa phương, trẻ đã được uống sữa đều đặn ngay từ ngày đầu tiên tựu trường. Đối với các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19 như TP Đà Nẵng, đây là nỗ lực rất lớn để mang niềm vui uống sữa đến với các em học sinh quay lại trường sau thời gian dài ở nhà phòng dịch.

Các em trường Mầm non Bình Minh (Đà Nẵng) uống sữa học đường trong ngày đầu đi học hôm 21/9. Ảnh: Nguyễn Đông.
Giờ uống sữa tạo không khí vui tươi, trở thành hoạt động quen thuộc và nhiều trẻ yêu thích. Thông qua đó, các em còn học được nhiều bài học về chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, đọc hạn sử dụng sản phẩm, bảo vệ môi trường bằng cách xếp và bỏ vỏ hộp đúng nơi quy định. Giáo viên và học sinh còn sáng tạo nên những đồ chơi, đồ dùng học tập từ vỏ hộp sữa, giúp tiết học sinh động hơn.
Với sự phối hợp tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là sự nỗ lực các cán bộ giáo dục, giáo viên, tại nhiều địa phương, qua các năm, số học sinh mầm non, tiểu học ở các trường đăng ký uống ngày càng tăng. Ví dụ TP Hà Nội hiện có hơn một triệu học sinh mẫu giáo, tiểu học tham gia chương trình đạt tỷ lệ hơn 91%, 46.000 trẻ mầm non tại Bình Định được uống sữa với tỷ lệ 97%...
Một số hình ảnh về chương trình Sữa học đường ở các tỉnh thành.
Kim Uyên