Rừng Đăk Uy rộng hơn 500 ha ở huyện Đăk Hà, có nhiều loài thực vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam như trắc, cẩm lai, giáng hương... Những năm gần đây nhiều gỗ quý trong rừng hư hỏng. Cụ thể như 61 cây trắc, trong đó một số cây cao hàng chục mét, thân lớn 1-2 người ôm, bị ngã đổ, chết dần. Ngoài ra, gần 100 cây trắc đã chết từ lâu chỉ còn gốc.
Ông Trần Thanh Tân, Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, cho biết gỗ trong rừng giá trị rất cao, đơn vị xây 26 lán trại, bố trí 40 người bảo vệ khu rừng, cùng tường rào dài 5 km bao quanh. Không để kẻ xấu cắt trộm, đơn vị dùng tôn, kẽm gai quấn quanh cây chết, lắp hệ thống điện hỗ trợ bảo vệ vào ban đêm.
Trước thực trạng gỗ quý nguy cơ hư hỏng, lực lượng canh gác mỏng, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số trắc ngã đổ, chết về kho quản lý, bảo quản, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, giảm kinh phí trông coi. Đơn vị đề xuất chủ trương bán đấu giá những cây chết, gãy đổ để lấy tiền hỗ trợ tái đầu tư, giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được đảm bảo.
Tuy nhiên, đề xuất nói trên không được Tổng cục Lâm nghiệp đồng ý vì luật chưa cho phép. Theo Điều 52 của Luật Lâm nghiệp, tổ chức và cá nhân không được khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Điều này đồng nghĩa chủ rừng không thể di chuyển, hoặc thu gom số gỗ trên.
Trắc thuộc nhóm IIA, là loài cây gỗ quý hiếm. Hiện trên thị trường, gỗ trắc được mua từ 100.000 đến 800.000 đồng mỗi kg tuỳ chất lượng, dùng làm nội thất, trang trí và phong thuỷ.
Trần Hóa