Ảnh: Học sinh cả nước chào năm học mới
Hà Nội nắng vàng dịu mát trong buổi sáng toàn dân đưa trẻ đến trường. Những gia đình có con bước vào lớp 1 dậy sớm hơn, chuẩn bị đồng phục, cờ hoa cho các bé dự lễ khai giảng.
Học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) khai giảng năm học mới. Ảnh: Giang Huy. |
Phát biểu tại lễ khai giảng trường THCS Nam Từ Liêm (thuộc quận Nam Từ Liêm vừa thành lập), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau cách mạng tháng Tám, đất nước nghèo đói, thậm chí không có tên trên bản đồ thế giới. Nhưng 69 năm qua, có những việc Việt Nam đã phấn đấu và nước ngoài đến học tập như xóa đói giảm nghèo. Năm 2013, tham gia Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá kết quả học sinh phổ thông theo chuẩn quốc tế PISA, học sinh Việt Nam đạt kết quả khá cao, là một trong những nước đầu tiên của ASEAN tham gia.
GS Nhân nhắn nhủ, nhà trường và học sinh phải hiểu rõ mục đích của giáo dục là học để làm người, từ đó mới cung cấp cho xã hội những con người tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ở miền Trung, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ khai giảng tại trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Phó chủ tịch đề nghị thầy trò tiếp tục nỗ lực phấn đấu để luôn xứng đáng là một trong những ngôi trường truyền thống, đi đầu trong công tác dạy và học của ngành giáo dục Hà Tĩnh.
“Nhà trường cần giữ mục tiêu toàn diện: kết hợp giáo dục thể chất, trí tuệ với giáo dục đạo đức, nhân cách, đặc biệt chú trọng giáo dục kỹ năng sống, quy tắc ứng xử văn hóa học sinh”, Phó chủ tịch nước căn dặn.
Tại miền Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ cắt băng khánh thành và đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cùng đi với Chủ tịch nước còn có Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, lãnh đạo các sở ngành Trung ương và địa phương.
Hiệu trưởng Trần Thị Kim Vân thay mặt hơn 1.500 học sinh và thầy cô giáo, công nhân viên nhà trường hứa với Chủ tịch nước và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong thời gian tới, trường sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác dạy và học, trở thành một trong những trường trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh Long An.
Sau hơn một năm xây dựng trên diện tích 2 ha với kinh phí 117 tỷ đồng, trường THPT đạt chuẩn quốc gia Hậu Nghĩa được đưa vào sử dụng với 43 phòng học và nhiều phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.Nhân dịp này, các vị lãnh đạo cũng trao học bổng cho học sinh nghèo, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên nhà trường.
Chủ tịch nước gióng hồi trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Hậu Nghĩa. Ảnh: Minh Nhật. |
Dự báo của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2014-2015 cả nước có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học mầm non, hơn 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 400.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và gần 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.
Cả nước hiện có hơn 14.000 trường mầm non, gần 16.000 trường tiểu học, hơn 10.000 trường THCS, PTCS, hơn 2.000 trường THPT, gần 250 trường phổ thông dân tộc nội trú và hơn 600 trường phổ thông dân tộc bán trú. Số cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp khoảng 500, trường đại học, cao đẳng là 400.
Trong năm học này, ngành giáo dục sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo duc và đào tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục; thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách. Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xóa mù chữ tiếp tục được thực hiện. Trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số cũng sẽ được chuẩn bị tiếng Việt tốt trước khi bước vào lớp 1, chương trình giáo dục mầm non thực hiện tốt ở các vùng khó khăn. Năm nay, Bộ Giáo dục có chủ trương mở rộng mô hình trường học mới cấp tiểu học, thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS, áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục ở các mức độ phù hợp với điều kiện ở địa phương. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục sáp nhập từng bước các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện nhằm giảm đầu mối quản lý. Nhiệm vụ thứ ba của ngành là kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn cán bộ quản lý. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách với nhà giáo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Cuối cùng, ngành giáo dục cần đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Các tỉnh, thành ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục và ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục, sau khai giảng, Bộ sẽ công bố phương án một kỳ thi chung, thực hiện ngay trong năm 2015. |
Hoàng Thùy - Linh Nguyễn