Thế giới đã ghi nhận 124.259.689 ca nhiễm nCoV và 2.734.401 ca tử vong, tăng lần lượt 421.071 và 7.249, trong khi 100.175.928 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/3 bác bỏ những chỉ trích của nước ngoài về vaccine Sptnik V của Nga và cho biết ông dự định tiêm vaccine trong hôm nay.
Sputnik V hiện chưa được phê duyệt để sử dụng đại trà ở các nước phương Tây, dù Moskva khẳng định nó an toàn, hiệu quả. Các nhà phê bình phương Tây nghi ngờ tính an toàn, hiệu quả của vaccine và cáo buộc Nga sử dụng nó như "công cụ tuyên truyền".
"Chúng tôi không áp đặt bất cứ điều gì lên bất cứ ai. Những người như vậy đang bảo vệ lợi ích của ai, của các công ty dược phẩm hay của công dân các nước châu Âu?", Putin nói trong cuộc họp trực tuyến với quan chức y tế. "Tiêm vaccine tất nhiên là lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Tôi dự định tiêm vào ngày mai".
Putin, 68 tuổi, không nói rõ ông sẽ tiêm vaccine nào trong ba loại đã được phê duyệt ở Nga.
Nga đăng ký Sputnik V vào tháng 8 năm ngoái, trước khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, khiến nhiều chuyên gia lo lắng. Tuy nhiên, các đánh giá sau đó phần lớn là tích cực, với kết quả xuất bản trên tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet cho thấy nó an toàn và hiệu quả hơn 90%.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.567.167 ca nhiễm và 555.861 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 36.756 và 543 trường hợp so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thông báo tính tới ngày 21/3, nước này đã tiêm 124.481.412 liều vaccine Covid-19 từ Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson.
Quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 12.047.526 ca nhiễm và 295.425 ca tử vong vì Covid-19, tăng 49.293 và 1.310 trong 24 giờ qua.
Số người chết trung bình hàng ngày tại Brazil tăng hơn gấp ba lần kể từ đầu năm và hiện cao nhất trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho biết ca nhiễm và tử vong tăng nhanh do một biến thể nCoV được cho là dễ lây lan hơn.
Brazil hôm 21/3 nhận được lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ chương trình phân phối đảm bảo vaccine Covax của Liên Hợp Quốc. Hơn một triệu liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển đến Sao Paulo và Bộ Y tế Brazil dự kiến nhận thêm 1,9 triệu liều vào cuối tháng theo chương trình Covax.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 21/3 tiếp tục phải đối các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19, gọi các thống đốc áp lệnh yêu cầu người dân ở nhà là "bạo chúa" và nói với người ủng hộ rằng ông sẽ đấu tranh cho "tự do" của họ.
Ấn Độ báo cáo thêm 40.581 ca nhiễm và 196 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.686.300 và 160.199.
Khi các ca nhiễm liên tục gia tăng, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã bị chỉ trích vì xuất khẩu nhiều vaccine Covid-19 hơn số người được tiêm chủng trong nước.
Dưới áp lực thúc đẩy nguồn cung tại địa phương, Viện Huyết thanh của Ấn Độ hôm 21/3 thông báo hoãn chuyển lô hàng vaccine AstraZeneca cho Brazil, Arab Saudi và Maroc.
Ấn Độ đã tài trợ 8 triệu liều và bán gần 52 triệu liều vaccine Covid-19 cho tổng số 75 quốc gia. Nước này đã tiêm hơn 44 triệu liều vaccine cho người dân kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng một.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.301.925 người nhiễm và 126.172 người chết, tăng lần lượt 5.342 và 17 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.
Bộ trưởng phụ trách vaccine Nadhim Zahawi cho biết tính đến 20/3, nước này đã tiêm 873.784 mũi vaccine Covid-19 cho người dân hôm 20/3, mức cao kỷ lục trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này.
Anh và EU đang tiếp tục tranh cãi về vấn đề xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca. EU tố Anh không chuyển lại bất cứ lô vaccine Covid-19 nào, trong khi Anh cáo buộc khối này không tuân thủ cam kết khi dọa cấm xuất khẩu vaccine Covid-19.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 15.792 ca nhiễm và 343 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.298.395 và 92.621.
Gần 1/3 người dân Pháp từ ngày 21/3 đã sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trong bối cảnh chính phủ nước này đang đặt mục tiêu ngăn các ca nhiễm nCoV lây lan ở khu vực thủ đô Paris và các vùng phía bắc đất nước.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.465.928 ca nhiễm, tăng 5.744, trong đó 39.711 người chết, tăng 161.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 671.792 ca nhiễm và 12.972 ca tử vong, tăng lần lượt 8.019 và 4 ca.
Philippines từ 22/3 mở rộng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ thủ đô Manila sang 4 tỉnh lân cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal. Các biện pháp hạn chế gồm giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập đông người và chỉ đi lại khi cần thiết.
Theo thống kê của AFP, tính đến 22/3, hơn 455 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 162 vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 56% số liều đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,1% được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu.
Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm đảm bảo 92 trong số các nền kinh tế nghèo nhất thế giới có thể tiếp cận vaccine, với chi phí từ các nhà tài trợ. Chương trình hiện phân phối hơn 31 triệu liều cho 57 quốc gia và đặt mục tiêu phân phối đủ liều để tiêm chủng cho 27% dân số ở 92 nền kinh tế đó vào cuối năm nay.
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)