Thế giới ghi nhận 115.241.711 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.557.778 người đã chết, tăng lần lượt 276.743 và 8.792, trong khi 90.966.083 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Theo UNICEF, hơn 168 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không đến trường học trong gần một năm do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19. Ngoài ra, 214 triệu trẻ em, tương đương 1/7 toàn cầu, đã bỏ lỡ hơn 3/4 các lớp học trực tiếp.
2/3 các quốc gia phần lớn vẫn đóng cửa thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe, ảnh hưởng đến gần 98 triệu người. Trong số đó, Panama đóng cửa trường học lâu nhất, tiếp theo là El Salvador, Bangladesh và Bolivia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1/3 cho biết số ca nhiễm nCoV mới trên toàn cầu đã tăng trở lại lần đầu tiên trong vòng 7 tuần. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, đây là điều "đáng thất vọng nhưng không bất ngờ", đồng thời kêu gọi các nước không nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh và còn quá sớm để dựa hoàn toàn vào vaccine.
Ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine Covid-19, với hơn 249 triệu liều được sử dụng. Trong 7 ngày qua, trung bình 5,2 triệu liều được tiêm mỗi ngày trên toàn cầu. Chiến lược giữa các quốc gia khác nhau, khi một số nước chủ trương tiêm cho nhiều người trong thời gian nhanh nhất có thể, còn nơi khác quyết định ưu tiên những nhóm dễ bị tổn thương.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.357.371 ca nhiễm và 528.665 ca tử vong, tăng lần lượt 51.630 và 1.615 trong 24 giờ qua.
Tổng thống Joe Biden hôm 2/3 tuyên bố Mỹ "đang đi đúng hướng để có đủ nguồn cung vaccine cho toàn bộ người trưởng thành tại Mỹ vào cuối tháng 5", sớm hơn hai tháng so với dự đoán trước đó của Washington.
"Khi chúng tôi nhậm chức, những hợp đồng mà chính quyền tiền nhiệm đã ký gần như không đủ cung cấp vaccine cho người trưởng thành ở Mỹ. Chúng tôi đã khắc phục điều đó. Tôi vui mừng thông báo rằng nhờ quá trình đẩy mạnh mà tôi đã yêu cầu và vạch ra, đất nước sẽ có đủ vaccine cho mọi người trưởng thành vào cuối tháng 5. Đó là tiến bộ quan trọng, dù chưa đủ", Biden cho hay.
Tuyên bố của Biden đưa ra trong bối cảnh một cuộc khảo sát của Axios-Ipsos, tiến hành từ 26/2 đến 1/3, cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy hy vọng về cơ hội thoát khỏi đại dịch hơn so với năm ngoái.
48%, chiếm gần một nửa người Mỹ tham gia khảo sát, bày tỏ niềm hy vọng, tăng mạnh so với con số 20% năm ngoái. Đối với nhóm những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, tỷ lệ này lên tới 61%. Nhóm đặt nhiều kỳ vọng nhất là những người trên 65 tuổi, đảng viên Dân chủ và đã tiêm phòng.
Trong cuộc khảo sát năm ngoái, 41% nói rằng họ cảm thấy "căng thẳng/lo lắng". Số người bày tỏ nỗi thất vọng cũng chiếm tỷ lệ tương đương, trong khi 26% cho hay họ cảm thấy "quá tải/kiệt sức", 19% tức giận, 16% "buồn" hoặc "nản lòng". Axios cho hay những cảm xúc tiêu cực vẫn tồn tại, nhưng đã ít hơn so với năm ngoái.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 15.694 ca nhiễm và 110 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.139.313 và 157.385.
Số ca nhiễm tại nước này liên tục giảm kể từ giữa tháng 9/2020, trước khi tăng trở lại hồi đầu tháng trước. 8/10 số ca ghi nhận gần đây được báo cáo tại 5 bang, chủ yếu là Maharashtra và Kerala.
Chính phủ liên bang hôm qua tuyên bố họ "đủ nguồn dự trữ và sẽ cung cấp số liều vaccine cần thiết" cho mọi địa phương, đồng thời kêu gọi các bang không nên tích trữ vaccine Covid-19. Ấn Độ sản xuất 60% mọi loại vaccine trên thế giới và đã tặng, hoặc bán, vaccine Covid-19 cho vài quốc gia.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 1.525 ca tử vong, nâng tổng số lên 257.361. Số ca nhiễm nCoV tăng 57.318 trong 24 giờ qua, lên 10.646.926.
Trong khi phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19, nhiều người tại Brazil vẫn tiệc tùng và phớt lờ đại dịch, bất chấp việc nước này là nơi phát sinh một biến chủng nCoV lây lan nhanh hơn và được cho là nguy hiểm hơn. Số người chết vì nCoV trung bình tuần qua ở Brazil khoảng 1.208 người/ngày, mức kỷ lục mới.
Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ. "Với tình hình này, nếu không hành động, đến tháng 3 mọi người sẽ tranh giành nhau cả giường bệnh lẫn mộ trong nghĩa trang. Chúng tôi sẽ cần mở nghĩa trang mới để chôn cất các thi thể", Domingos Alves, chuyên gia tại Đại học Sao Paulo, nhận định.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 4.188.400 ca nhiễm và 123.296 ca tử vong, tăng lần lượt 6.391 và 343 trường hợp.
Chính phủ Anh hôm qua cho biết họ sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, trong số 100 triệu liều đặt hàng từ hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển. Tuy nhiên, Anh đang khiến nhiều bên lo ngại vì mua quá nhiều vaccine.
Anh đang tiến hành một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới, với gần 20,5 triệu cư dân đã được tiêm liều đầu tiên.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.857 ca nhiễm và 330 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.783.528 và 87.220. Số người đang được điều trị Covid-19 tại các phòng chăm sóc tích cực tăng 42, lên 3.586 trường hợp.
Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal hôm qua cho hay họ chưa loại trừ phương án kiềm chế Covid-19 nào, bao gồm khả năng ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới và các lệnh phong tỏa địa phương vào cuối tuần.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.461.801 ca nhiễm và 71.319 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.232 và 395 ca so với một ngày trước đó.
Giữa lúc người Đức ngày càng mất kiên nhẫn và các doanh nghiệp chật vật tồn tại sau nhiều tháng đóng cửa, Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ mong muốn bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế virus từ tuần sau. Tuy nhiên, thủ hiến 16 bang của Đức vẫn chưa đồng ý với các đề xuất của bà.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cam kết sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nCoV miễn phí cho tất cả người Đức tại những nơi được chỉ định như hiệu thuốc, và nhận kết quả ngay tại chỗ.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.347.026 ca nhiễm, tăng 5.712, trong đó 36.518 người chết, tăng 193.
Thứ trưởng Y tế Indonesia Dante Saksono Harbuwono hôm qua cho biết nước này đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến chủng nCoV từ Anh, đặt ra thách thức mới giữa lúc Indonesia cố gắng kiềm chế đại dịch.
Wiku Adisasmito, phát ngôn viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Indonesia, cho hay việc giám sát tại các cửa ngõ của đất nước sẽ được siết chặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng có tốc độ truyền nhiễm nhanh hơn này.
Mục tiêu của Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là tiêm phòng Covid-19 cho hơn 181 triệu người để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn khởi động hồi tháng 1 bắt đầu từ nhóm các nhân viên y tế, công chức và người cao tuổi.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 580.442 ca nhiễm và 12.369 ca tử vong, tăng lần lượt 2.067 và 47 ca.
Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac. Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hôm qua trở thành nhà sản xuất thứ 6 nộp đơn xin cấp phép tại nước này.
Ánh Ngọc (Theo CNN, Worldometers, AFP, Reuters)