Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán niên độ 2017, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác giao kế hoạch vốn nhiều bộ ngành và địa phương. Phần lớn sai phạm chủ yếu là chưa phân bổ chi tiết danh mục ngay từ đầu năm, không trình Hội đồng nhân dân cho ý kiến về danh mục và mức vốn phân bổ cho từng công trình sử dụng nguồn vốn trung ương, ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài.
Điển hình trong số này là việc Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành, các dự án đăng ký nhu cầu vốn hoàn ứng, vốn trả nợ và bố trí vốn khởi công mới không phù hợp. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phân bổ vốn ngân sách trung ương cho 21 chương trình mục tiêu chỉ đạt 53,6% kế hoạch, thiếu hơn 130.000 tỷ đồng dẫn đến áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng giao 5.338 tỷ đồng kế hoạch vốn cho 4 dự án đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không đúng nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư giao sai quy định 2.600 tỷ đồng cho dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, 498 tỷ đồng cho dự án cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, 133 tỷ đồng cho dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai và 2.105 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Năm ngoái, cơ quan này tiếp tục giao kế hoạch vốn xấp xỉ 2.364 tỷ đồng cho VEC để đầu tư các dự án cao tốc.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 4 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp và thu hồi kế hoạch vốn đã giao cho 4 dự án này trong giai đoạn 2016-2018 là 11.523 tỷ đồng.
Sau gần 15 năm thành lập, bình quân tăng trưởng doanh thu hàng năm của VEC đạt hơn 29%. Cách đây bốn năm, công ty đã lên phương án cổ phần hóa, song song với việc thành lập các công ty cổ phần để chuyển nhượng năm tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, công ty cho biết sẽ thu xếp 8.958 tỷ đồng trả nợ cho các khoản vay đến hạn của dự án. Công ty được giao chỉ tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác năm tuyến cao tốc với chiều dài tổng cộng 580 km trong vòng hai năm tới. Đồng thời, xúc tiến đầu tư thêm sáu tuyến cao tốc mới gồm Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang, Ninh Bình – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Quảng Ngãi – Bình Định với tổng vốn đầu tư 117.433 tỷ đồng.
Phương Đông