Theo lịch, 8h thí sinh bắt đầu làm bài môn đầu tiên. Nhưng từ hơn 6h, nhiều em đã có mặt tại điểm thi. Thời tiết Hà Nội sáng sớm mát mẻ, chừng 27 độ C.
Hoàng Minh Thư, trường THCS Sài Đồng, quận Long Biên, dậy từ 5h30. Sau khi ăn sáng với xôi gấc, nữ sinh kiểm tra lại đồ dùng rồi tới trường THCS Gia Thụy, cách nhà khoảng 6 km.
Thư nói tối qua hơi hồi hộp, khó vào giấc. Trước đó, em đọc lại đề cương ôn tập và dặn dò của cô giáo. Nguyện vọng 1 của em là THPT Nguyễn Gia Thiều - trường luôn trong top 10 về điểm chuẩn. Trong lần thi thử gần nhất, Thư đạt 42,5 điểm, hơn 0,75 so với đầu vào năm ngoái song vẫn lo lắng.
"Văn là môn khó tính điểm, phong độ của em cũng chưa thật sự ổn định nên sợ không đạt 8 điểm như kỳ vọng", nữ sinh nói.
Gia Nguyên, quận Hoàng Mai, lo lắng nên cũng đi từ 6h tới điểm thi ở trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, cách nhà khoảng 10 km. Tới sớm, Nguyên tranh thủ ôn lại một số tác phẩm thơ chưa tự tin.
Đề Ngữ văn thi lớp 10 ở Hà Nội thường gồm hai phần, kiểm tra khả năng đọc hiểu và viết nghị luận về tác phẩm văn học, sự vật, hiện tượng hay vấn đề trong cuộc sống. Với phần liên quan đến tác phẩm văn học, nam sinh mong không vào thơ.
"Phần nghị luận xã hội em không học tủ vì nghĩ đề nào cũng sẽ ứng biến được", Nguyên nói. Đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Kim Liên, Nguyên đặt mục tiêu đạt 8 điểm Văn.
Ngoài nguyện vọng 1 vào trường Yên Hòa, Anh Thư, trú quận Cầu Giấy, có thêm mục tiêu vào lớp chuyên, nên áp lực dù Văn là môn thế mạnh. Thư cho biết đã học thêm ba môn rất nhiều, giai đoạn nước rút, có ngày em học liền hai ca đến 10h đêm mới về nhà.
"Em đặt mục tiêu cao nhất vào Hà Nội - Amsterdam. Em sẽ cố không để xảy ra sai sót nào trong kỳ thi này", Thư chia sẻ. Nữ sinh hy vọng đề thi Văn vào "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" hoặc "Lặng lẽ Sa Pa".
Chờ con tại cổng trường THCS Trần Duy Hưng, chị Hồng Nhung nói sẽ nán lại tới lúc 8h. Nhà ở quận Ba Đình, chị đi từ 6h, sau khi cho con ăn xôi đỗ. Con chị đặt nguyện vọng vào lớp Tin học, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Nguyễn Huệ. Với trường không chuyên, ba nguyện vọng lần lượt là Phan Đình Phùng, Nguyễn Trãi (Ba Đình) và Đại Mỗ.
"Những nguyện vọng đầu đều là trường thường lấy điểm chuẩn cao, nên tôi cũng lo", chị Nhung nói. "Đêm qua, tôi trằn trọc mãi".
Người mẹ cho biết thi trường chuyên là mong muốn của con lâu nay, nên bố mẹ ủng hộ hết sức.
Thầy Nguyễn Ngọc Phúc, trường THCS Trần Duy Hưng, cho biết đây là một trong 4 điểm thi đông nhất thành phố với 38 phòng, 860 thí sinh.
"Gần như mọi công đoạn đều phải bố trí nhân lực đông gấp đôi các điểm thi khác", thầy Phúc nói. Để tránh ùn tắc, nhà chức trách bố trí điểm chờ tại trường mầm non bên cạnh, phụ huynh có thể vào nghỉ trong thời gian đợi con.
Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội diễn ra trong hai ngày 8-9/6. Hôm qua, hơn 105.000 thí sinh đến trường thi làm thủ tục, giảm 700 so với số đăng ký ban đầu. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt, gồm 9 em gãy tay phải, một em phải dùng máy trợ thính và hai thí sinh cần thiết bị truyền insulin (hormone để hạ đường huyết, dùng điều trị bệnh đái tháo đường) trong quá trình làm bài.
Ngữ văn luôn là môn thi đầu tiên. Hàng năm, Sở không công bố phổ điểm thi, song theo nhiều giáo viên, mức điểm phổ biến thí sinh đạt được là 7.
Sau Ngữ văn, chiều nay thí sinh thi môn Ngoại ngữ, sáng mai môn Toán. Thí sinh đăng ký vào hệ chuyên sẽ thi thêm vào ngày 10/6.
Điểm xét tuyển đại trà là tổng ba môn, trong đó Toán và Văn nhân hệ số hai. Còn với các trường chuyên, điểm xét tuyển là tổng bốn môn, trong đó môn chuyên nhân đôi.
Điểm chuẩn lớp 10 Hà Nội ba năm qua
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết 127 trường THPT công lập (gồm cả trường chuyên, trường tự chủ) sẽ tuyển 77.000 em.
Điểm thi lớp 10 ở Hà Nội được công bố chậm nhất vào ngày 2/7, điểm chuẩn sau đó 4-7 ngày.
Dương Tâm - Thanh Hằng