Theo bản cập nhật Sách Đỏ mới nhất về các loài động, thực vật bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), có tới 103/107 loài vượn cáo - nhánh linh trưởng mũi ướt đặc hữu của Madagascar - đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và 33 loài trong số đó nằm trong diện cực kỳ nguy cấp.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Trái Đất đang bước vào sự kiện tuyệt chủng lần thứ sáu trong lịch sử, theo các nhà sinh vật học. Danh sách cập nhật đánh giá tổng cộng 120.372 loài sinh vật và phân loại hơn 30.000 loài vào nhóm có nguy cơ biến mất.
Tuy nhiên, con số này trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần. Vào năm ngoái, tổ chức liên chính phủ về đa dạng sinh vật học IPBES của Liên Hợp Quốc đã ước tính có tới một triệu loài đang bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do con người.
Quyền tổng giám đốc Grethel Aguilar của IUCN nhấn mạnh cần có những thay đổi mạnh mẽ về cách con người tương tác với thế giới tự nhiên, đặc biệt là các loài linh trưởng.
Vượn cáo được xem như "báu vật" của Madagascar nhưng quốc đảo ở Đông Phi này đang phải vật lộn với nạn săn trộm và phá rừng. Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2000, hơn 40% diện tích rừng nguyên sinh của Madagascar đã bị phá hủy.
Đoàn Dương (Theo AFP)