Bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngày 20/7 cho biết trong số bệnh nhân chuyển nhẹ có 67 trường hợp không cần thở oxy, 39 ca còn thở oxy gọng kính.
Dự kiến, các bệnh nhân sẽ được chuyển xuống các bệnh viện thuộc tầng 2 (dành cho F0 triệu chứng nhẹ), tầng 3 (điều trị người có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch) trong mô hình tháp 4 tầng của TP HCM, tiếp tục theo dõi, điều trị.
"Các bệnh nhân vượt qua tình trạng nặng nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua", bác sĩ Huy đánh giá.
Theo bác sĩ Huy, bệnh viện hồi sức được xem là chốt chặn cao nhất trong công tác điều trị Covid-19 tại TP HCM, hình thành từ việc chuyển đổi công năng thần tốc từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, hôm 13/7. Nơi này điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch, thuộc tầng cao nhất của tháp 4 tầng.
Bệnh viện đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân, trong đó 3 ca can thiệp ECMO, còn lại đa số thở máy, thở oxy dòng cao HFNC, thở oxy qua mask...
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19, cho biết quy mô 1.000 giường điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch của viện sẽ được triển khai theo từng giai đoạn. Trong tuần này, bệnh viện hoàn thành giai đoạn một với khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân. Tuần sau, dự kiến công suất tiếp nhận lên 700 giường.
651 nhân viên đang tham gia điều trị, đến từ các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Thống Nhất, Ung bướu, 71 Trung ương, 74 Trung ương và một số tỉnh thành...
"Theo tiến độ nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, số nhân lực cũng được tăng cường tương ứng", bác sĩ Thức chia sẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), tính đến sáng 20/7, các bệnh viện thành phố đang điều trị hơn 33.800 ca, trong đó 433 ca đang thở máy và 11 ca can thiệp ECMO - hai hình thức hỗ trợ hô hấp cao nhất với bệnh nhân Covid-19.