Có mặt tại một điểm giao dịch của nhà mạng ở Hà Đông (Hà Nội) sáng 3/4, anh Ngọc Đức cho biết đến làm thủ tục cho số điện thoại của mẹ anh, người đã nhiều tuổi và không rành sử dụng điện thoại.
"Mẹ tôi không để ý tin nhắn của nhà mạng. Đến khi sim bị khóa một chiều, tôi kiểm tra hộp thư đến mới biết thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa", anh nói. Sau khi điền vào tờ khai thông tin cá nhân, quá trình xử lý mất khoảng 5 phút, sau đó điện thoại có thể liên lạc trở lại bình thường.
Khác với hai ngày 30-31/3 khi người dân đổ xô đi cập nhật thông tin trước hạn chót, các điểm giao dịch của nhà mạng ba ngày qua chỉ lác đác người đến chuẩn hóa, chủ yếu do không nắm thông tin, đến khi sim bị khóa mới tìm hiểu.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có thêm 115.000 thuê bao chuẩn hóa trong hai ngày 1-2/4 do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy, vẫn còn hơn 1,5 triệu thuê bao đang bị khóa một chiều, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,8 triệu thuê bao được xác định cần chuẩn hóa của các nhà mạng. Sim bị khóa sẽ không thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, truy cập Internet di động, nhưng chủ thuê bao vẫn có thể gọi đến tổng đài để được hướng dẫn, đăng nhập ứng dụng qua Wi-Fi để cập nhật, hoặc đến các điểm giao dịch làm thủ tục.
Theo đại diện một nhà mạng, có nhiều lý do khiến người dùng không chuẩn hóa đúng hạn, như người không rành sử dụng điện thoại nên không nắm được thông báo. Ngoài ra, có tình trạng người dùng tưởng thông báo của nhà mạng là tin nhắn rác nên bỏ qua, hoặc một số sim vốn chỉ dùng để để truy cập Internet, sim không được sử dụng thường xuyên.
Sau 15 ngày kể từ khi bị khóa một chiều, tức đến 15/4, các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa sẽ bị khóa hai chiều, không thể nhận cuộc gọi hay tin nhắn và buộc phải ra điểm giao dịch của nhà mạng để mở khóa. Đến 15/5, những thuê bao này sẽ bị thu hồi số.
"Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người dùng sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục", ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Chiều 3/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết có những thuê bao chưa kịp đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoặc vẫn dùng CMND cũ, chưa được cấp CCCD, nên chưa có trong cơ sở dữ liệu. Với trường hợp này, các nhà mạng sẽ chủ động rà soát hồ sơ đăng ký thuê bao. Nếu thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng khớp với giấy tờ tùy thân của người dân, thuê bao sẽ được hoạt động bình thường.
Các nhà mạng cũng sẽ định kỳ đối soát thuê bao đăng ký bằng CMND với cơ sở dữ liệu quốc gia và chủ động cập nhật khi có thông tin mới. "Công việc này do nhà mạng thực hiện nên không gây phiền toái đến người dân", ông khẳng định.
Lưu Quý