Mỗi năm, khoảng 8.000 người được chẩn đoán bệnh. Khoảng 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, nhưng hiện tại Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân.
Thông tin được PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nêu tại tọa đàm Ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn, ngày 23/9. Mục tiêu là hướng tới tăng cường chẩn đoán và ứng dụng liệu pháp mới trong quản lý bệnh thận mạn từ giai đoạn sớm.
Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm. Trong giai đoạn tiến triển có các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật.
Nguyên nhân phổ biến nhất của thận mạn là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và viêm cầu thận. Đa số bệnh nhân có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như suy tim, suy thận và tử vong.
"Gần 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp ba lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm", bà Vân nói.
Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí y tế ước tính chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỷ USD, và chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận, đặc biệt tăng cao.
Theo bà Vân, là một gánh nặng cho y tế toàn cầu nhưng bệnh thận mạn chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ 5% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn ba. Người trưởng thành mắc bệnh phần lớn được phát hiện khi đã ở giai đoạn 4 và 5, phải điều trị thay thế thận.
"Dự báo đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận", bà Vân cho hay. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.
Tại tọa đàm, các chuyên gia thảo luận cách áp dụng những tiến bộ y khoa trong quản lý bệnh thận mạn từ chẩn đoán đến kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm, trong đó có nhóm thuốc ức chế SGLT-2i.
Nghiên cứu DAPA-CKD là một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc Dapagliflozin trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tại các quốc gia khác nhau, trong đó có bệnh nhân Việt Nam. Kết quả cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển của bệnh và giảm 31% nguy cơ tử vong trên bệnh nhân.
Bà Vũ Nữ Anh, Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sĩ điều trị. "Chi phí điều trị bằng Dapagliflozin có thể được bù đắp bằng cách giảm chi phí y tế trong bệnh thận mạn, là một điểm thuận lợi về mặt tác động ngân sách", bà Anh nói.
Lê Nga