Thế giới đã ghi nhận 181.157.898 ca nhiễm nCoV và 3.924.227 ca tử vong, tăng lần lượt 398.992 và 8.228, trong khi 164.023.879 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nhìn chung tình hình đại dịch trên toàn cầu đang cải thiện, khi WHO báo cáo số ca mới trên toàn thế giới thấp nhất kể từ tháng hai và số ca tử vong giảm dần. Nhưng lo ngại ngày càng tăng về biến thể đã dẫn đến những hạn chế mới ở các quốc gia vốn kiểm soát được dịch bệnh.
"Trên toàn cầu hiện có rất nhiều lo ngại về biến thể Delta, WHO cũng lo ngại về nó", tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo hôm 25/6 ở Thụy Sĩ.
"Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay. Nó được ghi nhận ở ít nhất 85 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng trong các nhóm người chưa được tiêm chủng", ông nói thêm. "Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp xã hội và y tế công cộng, chúng tôi bắt đầu thấy sự gia tăng ca nhiễm trên khắp thế giới".
Delta dễ lây lan đến mức các chuyên gia nói rằng hơn 80% dân số sẽ cần phải tiêm vaccine để ngăn chặn nó, một mục tiêu đầy thách thức ngay cả đối với các quốc gia có chương trình tiêm chủng mạnh. Delta, biến thể từ Ấn Độ, được cho là dễ lây hơn Alpha, biến thể từ Anh, 40 - 60%, trong khi Alpha đã dễ lây lan hơn chủng gây ra làn sóng Covid-19 đầu tiên.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.474.178 ca nhiễm và 618.954 ca tử vong do nCoV, tăng 9.079 ca nhiễm và 223 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tổng thống Joe Biden hôm 24/6 khuyến khích người dân tiêm chủng khi biến chủng Delta đang lan rộng và được dự đoán trở thành chủng virus chiếm ưu thế ở Mỹ, khiến ca nhiễm tăng vào mùa thu.
"Biến chủng mới, nguy hiểm này tiếp tục xuất hiện. Nó là biến chủng phổ biến nhất ở Mỹ và những người không được tiêm chủng sẽ rất dễ bị tổn thương", Biden nói.
Biden khẳng định vaccine là cách tốt nhất để chống lại virus, sau khi Nhà Trắng thừa nhận chính quyền không thể đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào ngày 4/7. "Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi virus và các biến chủng là tiêm phòng đầy đủ. Vaccine hiệu quả, miễn phí, an toàn, dễ dàng và tiện lợi", Tổng thống Mỹ cho hay.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.182.469 ca nhiễm và 394.524 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 49.052 và 1.186 ca.
Ấn Độ nhìn chung đã kiểm soát được sóng Covid-19 thứ ba, trong khi chiến dịch tiêm chủng tại nước này dường như ngày càng tiến bộ. Giới chuyên gia cho biết Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều mỗi ngày để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 950 triệu người vào tháng 12. Hơn 5% dân số Ấn Độ đã tiêm đủ hai liều.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối miễn phí đến các bang. Nhiều bệnh viện tư nhân trước đó cũng chủ động mua vaccine cho người từ 18 đến 45 tuổi. "Nếu nguồn cung ổn định, chúng tôi sẽ tiêm được cho phần lớn dân số vào cuối năm nay", D.N Patil, quan chức y tế cấp cao ở bang Maharashtra, cho biết.

Nhân viên y tế kiểm tra một người phụ nữ trước khi tiêm vaccine Sinovac ngày 24/6. Ảnh: AFP.
Nga báo cáo 5.409.088 ca nhiễm và 132.064 ca tử vong, tăng lần lượt 20.393 và 601 ca. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin yêu cầu các doanh nghiệp phải cắt giảm 30% nhân viên làm việc tại văn phòng từ ngày 28/6, khi thủ đô Nga ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục.
Các nhân viên đã tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được miễn quy định này, trong khi tất cả người lao động trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền sẽ phải làm việc tại nhà.
Nga cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí từ đầu tháng 12/2020, song phần lớn dân chúng nước này vẫn chần chừ tiêm chủng. Tính tới 24/6, gần 20,7 triệu người Nga tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và gần 16,3 triệu người hoàn thành liệu trình, chiếm 14,17% và 11,16% dân số, theo thống kê của Our World in Data.
Trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ, Thị trưởng Sobyanin hồi đầu tháng 6 yêu cầu hơn hai triệu dân Moskva làm việc trong các ngành dịch vụ, tương đương 60% nhân sự, tiêm vaccine bắt buộc trước ngày 15/8. Lãnh đạo cơ quan giám sát sức khỏe Nga Rospotrebnadzor Anna Popova cho biết 18 khu vực trên khắp cả nước đã áp dụng một số hình thức tiêm chủng bắt buộc.
Israel ngày 25/6 tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, 4 ngày sau khi nước này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Hôm 24/6, con số này tăng lên 227 ca. Israel ghi nhận tổng cộng 840.638 ca nhiễm, trong đó 6.429 người chết.
Đây được cho là bước lùi đối với Israel, khi lệnh gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng mới có hiệu lực hôm 15/6. Việc số ca nhiễm nCoV tăng đột biến được cho là đòn giáng đối với quốc gia tự hào về một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới. Khoảng 5,2 triệu người trong tổng số hơn 9 triệu dân Israel đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, tương đương 55% dân số.
Bộ Y tế Israel kêu gọi người dân đeo khẩu trang cả trong đám đông ngoài trời, bao gồm những sự kiện ủng hộ cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) dự kiến diễn ra cuối tuần này.
Ca nhiễm đã tăng mạnh ở Indonesia trong tuần qua, vượt hai triệu trường hợp vào ngày 21/6 khi tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tăng lên hơn 75% ở Jakarta và các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác. Gần 1.000 nhân viên y tế Indonesia đã chết vì virus kể từ khi đại dịch bắt đầu, hiệp hội y tế của đất nước xác nhận hôm 25/6 rằng 401 bác sĩ là nạn nhân. 14 người trong số họ đã được tiêm phòng đầy đủ.
Indonesia chủ yếu triển khai tiêm vaccine Trung Quốc Sinovac. Tháng này, hơn 300 bác sĩ và nhân viên y tế đã tiêm chủng ở Trung Java bị phát hiện nhiễm nCoV, khoảng một chục người phải nhập viện.
Phản ứng trước tình trạng này, Sinovac hôm 22/6 cho biết vaccine Covid-19 không thể bảo vệ người tiêm 100% khỏi nguy cơ nhiễm virus, nhưng có thể giảm các triệu chứng nghiêm trọng và ngăn ngừa khả năng tử vong.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 2.072.867 ca nhiễm, tăng 18.872, trong đó 56.371 người chết, tăng 422.
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)