Con số trên được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội công bố tại Hội nghị Đánh giá hiệu quả thực hiện đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở, ngay tuần đầu tiên học sinh mầm non và tiểu học đi học trong năm 2019 có 64 % em được tham gia chương trình "Sữa học đường", trong tuần thứ hai có 73% học sinh tham gia và đến thời điểm này đạt hơn 91%. Trong đó, khối mầm học và tiểu học công lập đạt 100% trường tham gia với 93% trẻ đăng ký uống sữa. Với khối ngoài công lập có 86,7% trường đăng ký tham gia và 80,73% trẻ đăng ký uống sữa.
"Để phụ huynh an tâm cho con em uống sữa học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ban giám hiệu các trường công khai, minh bạch quy trình từ đặt hàng, chuyển giao sữa, cho học sinh uống sữa đến thu gom vỏ hộp. Đến nay, chưa có phản ánh tiêu cực về chất lượng sữa học đường hay trường hợp học sinh ảnh hưởng sức khoẻ do uống sữa", ông Chử Xuân Dũng chia sẻ.
Chương trình "Sữa học đường" góp phần giúp các em bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất chất nhằm đáp ứng mục tiêu về tăng trưởng chiều cao, sức bền. Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế,Trần Đăng Khoa cho biết, Bộ Y tế phối hợp cùng các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn, quan tâm đến các vi chất dinh dưỡng theo đề nghị chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong sữa trong quá trình thực hiện chương trình. "Trên 90% là tỷ lệ cao thể hiện thành công của chương trình. Cách thức thực hiện rất bài bản từ đào tạo, tập huấn, đấu thầu mua sắm, bảo quản sữa", ông Khoa đánh giá.
Những ngày đầu thực hiện chương trình "Sữa học đường", có không ít bậc cha mẹ băn khoăn. Tuy nhiên, được ban giám hiệu các nhà trường và giáo viên thông tin đầy đủ và thấy được những lợi ích của chương trình, tỷ lệ phụ huynh cho con uống sữa học đường tang dần. "Sau thời gian triển khai, phụ huynh trên địa bàn quận đều phản hồi tốt, tôi hi vọng chương trình sẽ được kéo dài trong các năm học tới", cô giáo Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Mỗ A, cho biết.
Chương trình cũng gặp khó khăn khi áp dụng ở nhóm trường mầm non ngoài công lập với khâu giám sát, kiểm soát giờ cô giáo cho trẻ uống sữa, quy trình đặt đơn hàng với doanh nghiệp cung ứng. Tuy nhiên, phòng giaó dục các quận kết hợp với đơn vị cung cấp sữa đã thường xuyên rà soát quy trình, chất lượng sữa, hạn sử dụng và thời gian cho học sinh uống sữa tại nhóm trường ngoài công lập. Bà Trương Thu Hà, Phòng Giáo dục Quận Hoàng Mai cho biết đã thường xuyên kiểm tra quy trình tại nhóm trường ngoài công lập để đảm bảo trẻ được uống sữa có hạn sử dụng gần và được bảo quản tốt nhất.
Đại diện doanh nghiệp cung cấp sữa Vinamilk, ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Phát triển Hoạt động Cộng đồng, cho biết công ty đã thiết lập quy trình và sử dụng phần mềm riêng cho đề án để đảm bảo việc tiếp nhận đơn hàng và tổ chức giao nhận hàng hóa đến 4.000 điểm trường trên địa bàn Hà Nội nhanh chóng. Hơn 97% đơn hàng trong chương trình được vận chuyển đến tay nhà trường trong 48 giờ.
Ngoài ra, Công ty Vinamilk cũng tiến hành các công tác tập huấn, khảo sát điều kiện bảo quản sữa tại các nhà trường, cung cấp đủ giá kệ và tổ chức giao nhận sữa với số lượng và tần suất phù hợp với từng cơ sở giáo dục, cài đặt đường dây nóng 24/24 để hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của các trường.
Trước khi triển khai cho các em học sinh uống sữa, có 30 lớp tập huấn được tổ chức cho gần 10.000 đại biểu về toàn bộ quy trình triển khai chương trình hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường.
Chương trình "Sữa học đường" ở thành phố Hà Nội được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, chi phí đóng góp từ ba nguồn: Nhà nước, phụ huynh và doanh nghiệp cung ứng sữa, góp phần chia sẻ gánh nặng với học sinh có điều kiện khó khăn, gia đình chính sách chưa có đủ điều kiện cho con uống sữa hàng ngày.
Nha Trang