Tại TP HCM, 6h sáng, cổng các Hội đồng thi đã tập trung khá đông phụ huynh và thí sinh. Nhiều em ngồi gốc cây hoặc sau xe gắn máy, nhưng mắt dán vào tài liệu ôn, vẻ căng thẳng lộ rõ trên khuôn mặt .
Phạm Kiều Duy Hạ, lớp 12A7, THPT Trưng Vương, quận 1 cho biết, em dậy từ 3h30 để kịp đọc nhanh kiến thức cơ bản môn Văn. "Nếu đề ra bao quát chương trình cả 3 năm học, không biết em có làm tốt được không", Hạ nói.
Lâm Công Huy và nhiều thí sinh khác ở THPT dân lập Ngô Thời Nhiệm cũng trong tâm trạng trên. "Kết quả thi thử trắc nghiệm của em không cao. Em rất lo lắng kết quả thi Lý, Hóa, Ngoại ngữ", Huy tâm sự.
Không ít phụ huynh từ quận 2, huyện Nhà Bè... đã dậy từ 3h sáng để đưa thí sinh đi cho kịp giờ thi. Bà Bùi Thị Bạch Mai, gần 60 tuổi, phải qua 2 chặng xe buýt, từ phà Bình Khánh, đưa cháu là Cao Văn Vũ lên Hội đồng Bổ túc THPT Võ Trường Toản, quận 1. Vũ bị hoại tử ngón chân, đang thời gian điều trị tại bệnh viện song xin ngoại trú để đi thi.
Ngồi dưới một gốc cây ở cổng trường, bà Mai ôm túi đựng chai nước 2 lít cùng hoa quả và thuốc chữa bệnh cho Vũ. "Tôi sẽ đi cùng cháu suốt kỳ thi, chờ cháu cả ngày tại đây. Cháu phải uống thuốc ngày 3 bữa, thi xong cháu được uống ngay tôi mới yên tâm", bà Mai cho biết.
![]() |
Thí sinh Hà Nội làm bài thi môn Văn. Ảnh: Hoàng Hà. |
6h sáng, hàng trăm học sinh đã có mặt tại sân trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Các em túm tụm lại thành nhóm trao đổi bài vở. Thậm chí, trong khi đứng tập trung trước khi vào phòng, nhiều em vẫn lăm lăm trên tay quyển vở.
Dù thi khối D nhưng Nguyễn Thanh Huyền cho rằng môn Văn phải ôn khá nhiều, phần giới hạn dài. Cả tuần nay Huyền và các bạn trong nhóm phải ngồi "tu" suốt ngày. "Kiến thức đã hòm hòm nhưng em vẫn lo", cô nữ sinh này bày tỏ.
Do chọn con đường đi làm sau khi tốt nghiệp THPT nên Nguyễn Văn Lân, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố rất lo cho kỳ thi này. "Không đủ khả năng học tiếp nên em quyết định đây sẽ là lần thi cuối trong đời học sinh. Tốt nghiệp xong em sẽ xin vào làm nhân viên xe buýt", Lân trả lời trong khi mắt vẫn dán vào quyển vở.
7h15, sân trường Việt Đức vắng lặng, một thí sinh hớt hải chạy vào hỏi to: "Thày ơi phòng 16 ở đâu?". Gần 10 phút sau (7h22), một nam sinh đến muộn cũng hộc tốc lao vào phòng thi.
Hội đồng thi THPT Việt Đức có hơn 670 thí sinh của 3 trường: THPT Việt Đức, THPT Mari Curie và Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Dù đã có quy định cấm mang điện thoại vào khu vực thi, song trước giờ thi 15 phút, nhiều học sinh vẫn đứng ngoài hành lang gọi điện.
Thày Đặng Ngọc Yên, Chủ tịch Hội đồng thi Việt Đức thừa nhận, dù đã nhiều lần nhắc nhở song các em vẫn mang theo điện thoại. "Vào giờ thi, phát hiện em nào có điện thoại chúng tôi sẽ xử lý. Đầu giờ chiều, trường sẽ giữ điện thoại của học sinh ngay tại cổng bảo vệ", thày Yên khẳng định.
8h15, tại hội đồng thi THPT Trần Phú, không khí làm bài khá nghiêm túc. Trong khi nhiều em say sưa làm bài thì không ít thí sinh lại cắn bút suy tư, có em còn gục hẳn mặt xuống bàn. Một giám thị cho biết, nhiều em làm bài khá chậm.
Hội đồng THPT Trần Phú có 480 thí sinh thi theo chương trình phân ban tự nhiên. Điểm thi này có học sinh của THPT Trần Phú và THPT Phan Đình Phùng.
Kỳ thi này, cả nước có gần 2.700 điểm thi, hơn 133.000 cán bộ coi thi cùng gần 6.000 thanh tra ủy quyền là giảng viên các ĐH, CĐ.
Theo quy chế thi, thí sinh mang tài liệu vào phòng thi (dù chưa sử dụng), đưa đề bài ra ngoài, nhận lời giải từ ngoài đưa vào, chép bài của bạn, trao đổi bài giải hoặc mang điện thoại vào phòng đều bị đình chỉ thi.
Ngày |
Buổi |
Môn |
Thời gian |
30/5 |
Sáng |
Văn |
150 phút |
Chiều |
Vật lý |
60 phút | |
31/5 |
Sáng |
Lịch sử |
90 phút |
Chiều |
Hóa học |
60 phút | |
1/6 |
Sáng |
Toán |
150 phút |
Chiều |
Ngoại ngữ |
60 phút |
Nhóm phóng viên