"Đây là sự hỗ trợ có ý nghĩa to lớn với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói khi tiếp nhận lô hàng.
Thượng nghị sĩ Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Australia đang thăm chính thức Việt Nam, cho biết "các trang thiết bị này sẽ giúp Việt Nam tăng cường nỗ lực tiêm vaccine phòng chống Covid-19".
Thiết bị dây chuyền lạnh đảm bảo bảo quản và phân phối vaccine an toàn, tăng cường hệ thống tiêm chủng đến cấp xã, đảm bảo người dân vùng xa xôi đều được sử dụng vaccine an toàn.
"Đảm bảo công bằng trong tiêm chủng là cách chắc chắn nhất để thoát khỏi đại dịch và chấm dứt trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn", Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, nói.
Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Australia - UNICEF triển khai từ tháng 4, hỗ trợ Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Chương trình hỗ trợ trang bị thiết bị dây chuyền lạnh và vật tư tiêm chủng, tập huấn nâng cao nâng lực nhân viên y tế, triển khai chiến dịch tiêm chủng tại các địa bàn miền núi vùng sâu, truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng.
Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam 5,2 triệu liều vaccine Covid-19, bao gồm: 1,5 triệu liều AstraZeneca đã về tới Việt Nam trong những tháng qua; 3,7 triệu liều thông qua thỏa thuận mua sắm của Chính phủ Australia với UNICEF.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vaccine là 83,8%; tỷ lệ tiêm đủ hai liều là 40,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Đến nay, Việt Nam có thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng 200 triệu liều, đã tiếp nhận 125 triệu liều. Số lượng vaccine hiện đủ bao phủ cho dân số, đồng thời triển khai tiêm mũi ba vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo Bộ trưởng Long.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine được tiêm nhiều nhất, đứng thứ hai ở Đông Nam Á, đứng thứ 7 ở châu Á, là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới.