![]() |
Thầy Nguyễn Văn Khanh đối thoại với sinh viên. |
Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo giải quyết như vậy. Nguyên nhân là những sinh viên này không đủ điểm chuẩn vào đại học qua hai vòng thẩm định. Tuy nhiên cách giải quyết đó không được sinh viên chấp nhận. Hầu hết các thắc mắc đều tập trung vào những vấn đề như: cách giải quyết như vậy liệu có hợp lý khi sinh viên không có lỗi trong vụ tuyển sinh khóa 7 sai quy chế; nếu phải chuyển xuống học cao đẳng, sinh viên có được thanh toán chênh lệch chi phí đã đóng giữa hai hệ đào đạo; ai sẽ bồi thường danh dự cho họ khi bị giáng hệ đào tạo?
"Khi các em thi vào đây, không hề biết điểm bài thi của mình và chỉ nhập học khi nhận được giấy triệu tập của nhà trường. Đến bây giờ xảy ra chuyện không đủ tiêu chuẩn đầu vào là do ban lãnh đạo cũ phải chịu trách nhiệm, còn bản thân các em không có tội", ông Khanh thừa nhận. Tuy nhiên, ông vẫn khuyên các sinh viên nên chấp nhận giải pháp của Bộ GD&ĐT cũng như nhà trường.
Ông Khanh cho biết, đây là phương án mà Bộ GD&ĐT cân nhắc trong hơn một năm qua, đảm bảo những sinh viên trúng tuyển hợp pháp không phải ra khỏi trường. Việc chuyển hệ này vẫn bảo lưu ba học kỳ mà các em đã và đang học trong thời gian qua. Sinh viên vẫn có “cơ hội liên thông”, học tiếp một năm nữa để hoàn thành chương trình đại học nếu tốt nghiệp cao đẳng đạt kết quả khá, giỏi. Để khẳng định điều này, ông Khanh viện dẫn lời quyền Hiệu trưởng Nguyễn Niên, trên báo Giáo dục thời đại: “Chúng tôi đang đề nghị Bộ GD&ĐT cho thực hiện liên thông trong đào tạo giữa hệ cao đẳng vào đại học”. Song nhiều sinh viên đã không chấp nhận sự chuyển đổi này và cho rằng lời hứa trên của ông Khanh không có cơ sở pháp lý.
Trao đổi với VnExpress, ông Khanh nói: "Một trong ba giải pháp mà chúng tôi trình lên BộGD&ĐT là cứ tiếp tục để cho sinh viên học đại học, sẽ sàng lọc dần dần trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, Bộ quyết định giải pháp này thì chúng tôi đành phải thi hành”.
Cuối buổi sáng nay, các sinh viên cùng ký vào một lá đơn đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại việc điều chỉnh hệ học tập này cho đảm bảo công bằng, tránh tình trạng “quýt làm cam chịu”.
Trần Ngọc Kha