Những đoạn video và hình ảnh đẫm máu cho thấy xác cá heo nằm la liệt trên bãi biển với các vết cắt sâu trên cơ thể đang gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Tổ chức từ thiện vận động chống lại việc săn bắt cá voi và cá heo Sea Shepherd đã mô tả đây là một "hành vi bất hợp pháp và man rợ".
Hành động này khiến chính quyền quần đảo Faroe đang nhận chỉ trích dữ dội bởi dư luận quốc tế cho rằng đây là một cuộc săn lùng động vật biển có vú lớn chưa từng có trên thế giới.
Truyền thống săn bắt cá voi để lấy thịt trên quần đảo Faroe ở Bắc Đại Tây Dương - một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch - đã kéo dài trong nhiều thế kỷ. Bất chấp sự phản đối gay gắt của 53% dân số bản địa cũng như dư luận quốc tế, chính quyền Faroe vẫn khẳng định rằng đây là hoạt động đánh bắt bền vững.
Hàng năm, khoảng 1.000 động vật biển có vú bị giết mổ trên quần đảo, trong đó chủ yếu là cá voi hoa tiêu. Cả hai loài cá voi hoa tiêu và cá heo hông trắng Đại Tây Dương hiện không bị phân loại là động vật nguy cấp.
Thông thường, thịt cá voi và cá heo sau khi giết mổ được chia cho các gia đình tham gia đánh bắt. Phần còn thừa sẽ được tặng cho dân làng. Tuy nhiên, theo tờ Ekstra Bladet của Đan Mạch, nhu cầu tiêu thụ thịt cá heo hông trắng Đại Tây Dương của người dân Faroe trên thực tế không nhiều đến như vậy.
Theo ước tính của địa phương, có tới 100.000 con cá voi hoa tiêu sinh sống tại vùng biển xung quanh quần đảo Faroe và khoảng 600 con đã bị giết vào năm ngoái. Trong khi đó, cá heo hông trắng Đại Tây Dương cũng phát triển bền vững với số lượng ước tính khoảng 300.000 con.
Đoàn Dương (Theo AFP, Guardian)