Ngày 4/4, đại diện Bộ Công an cho biết "đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử" được Thủ tướng thông qua với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế...
Bộ Công an đang nghiên cứu, xây dựng đề án trên nguyên tắc, công nghệ nhận dạng vân tay phải tương thích với các công nghệ nhận dạng vân tay sử dụng trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử và hệ thống tàng thư tội phạm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử phải đảm bảo khả năng mở rộng và tích hợp để trao đổi, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác về dân cư, về chứng minh nhân dân, về tội phạm.
Vì chưa có văn bản quy phạm phạm pháp luật điều chỉnh về hộ chiếu điện tử, Bộ Công an đang xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh để tạo cơ sở pháp lý trong việc cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử.
Trước đó, ngày 10/12, Bộ Công an công bố Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh trình Chính phủ và lấy ý kiến đóng góp của các ban ngành, người dân. Dự thảo có nhiều điểm mới như quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông được gắn chíp điện tử để lưu trữ thông tin sinh trắc học đặc trưng của người đề nghị cấp hộ chiếu như dấu vân tay, ảnh, thông tin cá nhân và chữ ký số.
Dự án Luật này đã hết hạn lấy ý kiến và đang chờ trình lên Quốc hội. Nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Hộ chiếu điện tử (hộ chiếu sinh trắc học) là hộ chiếu giấy bình thường nhưng được gắn chíp điện tử rất mỏng. Bên cạnh những thông tin cá nhân thường thấy (như: họ tên, ngày sinh, ảnh, chữ ký, quốc tịch...), con chíp sẽ lưu lại một hoặc nhiều loại thông tin dùng để nhận dạng sinh trắc học của chủ nhân như khuôn mặt, dấu vân tay, và mống mắt, tùy vào quy định của quốc gia phát hành.
Đến tháng 6/2018, 150 nước đã sử dụng hộ chiếu điện tử.