Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính Trung ương cho biết tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm với 11 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền Trung diễn ra hôm qua. Báo cáo đánh giá tình hình phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế trong thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tình hình tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn phức tạp, nhất là trong thực hiện các dự án giao thông vận tải có sử dụng vốn ODA...
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính thành ủy Hải Phòng cho hay, việc xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương có khó khăn do đối tượng tham nhũng là chủ thể đặc biệt. Bên cạnh đó, địa phương cũng gặp khó trong trong áp dụng pháp luật như đánh giá thế nào là tham nhũng nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Một bất cập của riêng Hải Phòng được ông Cường đưa ra, đó là thiếu đội ngũ điều tra viên. "Vì thiếu nhân lực nên có những vụ đề nghị khởi tố từ năm ngoái nhưng sau nhiều lần ra hạn điều tra, bàn bạc, thay đổi tội danh thì vừa rồi mới khởi tố. Đây là cái yếu của cơ quan tố tụng cấp huyện”, ông Cường thông tin.
Người đứng đầu Ban Nội chính Hải Phòng bày tỏ băn khoăn nếu như quy định cho phép quan tham dùng tiền chuộc mạng trong Dự thảo Luật hình sự được thông qua. Theo ông Cường, cần rút kinh nghiệm điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 phải sửa, khi mà Tổng liên đoàn đã có ý kiến từ khi dự thảo nhưng Quốc hội vẫn thông qua. "Những điều liên quan đến lĩnh vực rất nhạy cảm như phòng chống tham nhũng mà không thận trọng thì có thể gây bức xúc trong nhân dân và tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chống phá", ông Cường cảnh báo.
Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Thái Bình, ông Đoàn Hồng Kỳ nêu ra những vấn đề nổi cộm của tỉnh, trong đó tình hình diễn biến của các thế lực thù địch. Theo ông Kỳ, ở Thái Bình trước đây có một số người chống phá đảng, nhà nước và bị xử lý. Nhưng vẫn còn một số người vẫn tìm cách móc nối, phát tán tài liệu chống đối. Ban Nội chính tỉnh đã tập trung quyết liệt để giải quyết vấn đề này.
Để Ban Nội chính địa phương có hành lang pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu ngành Nội chính Thái Bình đề nghị bổ sung, quy định rõ thẩm quyền của Ban Nội chính, có thể được đi vào một khâu nào đó trong vụ án. "Nhiều người rất mơ màng về trách nhiệm. Phạm vi nội chính tuy rộng nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện và còn rất nhiều vướng mắc. Bây giờ bảo chúng tôi vào kiểm tra xem cơ quan công an làm có nghiêm túc không thì hơi khó", ông Kỳ nêu.
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết, trước đây, tham nhũng thường mang tính tự phát, nhưng giờ mang tính tổ chức, lợi ích nhóm rất rõ nét. "Tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp… nên chống rất khó", ông Tuấn đánh giá.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, mức độ thiệt hại của các vụ án tham nhũng lớn ngoài sức tưởng tượng. Giang Kim Đạt, chỉ là trưởng phòng nhưng tham ô quá dễ dàng gần 400 tỷ đồng. Hay việc mua bán ụ nổi trong vụ án Dương Chí Dũng, giá thực chỉ hơn 2 triệu USD nhưng đội giá lên hơn 9 triệu USD.
"Các đồng chí ở Đồng Nai băn khoăn, không biết xử lý ụ nổi đó như thế nào. Trong bản án không tuyên là hủy hay xử lý ra sao. Đánh chìm, hay dắt ra cũng đều khó, vì vậy vẫn phải nuôi ụ nổi đó", ông Tuấn nêu.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, bản án vụ Vinashin tuyên tập thể, cá nhân phải bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng nhưng hiện chưa thu được một xu nào. Tổng cục thi hành án (Bộ Tư pháp) vừa trả lại một loạt đơn yêu cầu thi hành án của các cơ quan tổ chức cá nhân được thi hành án. Riêng cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình phải bồi thường hơn 500 tỷ nhưng cũng chưa thu được một đồng nào.
"Nguyên nhân ở đâu? Hóa ra, trong suốt quá trình điều tra, truy tố xét xử, chúng ta tập trung cao độ vào việc chứng minh hành vi vi phạm nhưng quên kê biên tài sản của hành vi vi phạm, quên phong tỏa tài. Khi bản án có hiệu lực giao cho cơ quan thi hành án nhưng họ biết tài sản ở đâu mà thu hồi", ông Tuấn phân tích.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, việc thu hồi tài sản tham nhũng, vi phạm rất thấp, và Ban Nội chính trung ương rất bức xúc về chuyện này. Lãnh đạo Ban Nội chính cho rằng cá nhân ông hy vọng từ vụ việc thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt, các cơ quan thực thi pháp luật khi tiến hành chứng minh hành vi vi phạm cũng đồng thời phong tỏa tài sản để làm cơ sở cho việc thu hồi tài sản sau khi bản án có hiệu lực.
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn cho hay, từ khi lập nước (năm 1945) cho tới trước tháng 10/2012, Việt Nam chỉ tử hình một trường hợp là đại tá Trần Dụ Trâu - Cục trưởng Quân nhu vì tham ô. Nhưng từ 10/2012 tới nay, trong xử lý án tham nhũng đã tử hình 8 trường hợp. |
Võ Hải