Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu tầm quan trọng của sách, gốc của sách là tri thức, tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của một quốc gia, dân tộc. Ông Hùng nói: "Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Mà muốn vậy, phải khuyến đọc".
Nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc khuyến đọc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Có nước có luật về khuyến đọc. Tháng 11 năm 2021, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Bộ trưởng nhắc lại nhiệm vụ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống xuất bản cách mạng Việt Nam: "Xuất bản phải khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
* Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Người Việt Nam đang đọc nhiều hơn'
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định vai trò của sách qua lời dạy của Đại thi hào Nguyễn Du "Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa" và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại. Người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc".
Trong sự kiện, ban tổ chức giới thiệu video báo chí chung tay phát triển văn hóa đọc, biểu dương tám cơ quan báo chí có đông bạn đọc xây dựng chuyên mục Sách. Ngoài ra, Ủy ban ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế công bố chuyển giao tủ sách - gồm 770 ấn phẩm, tài liệu, công trình nghiên cứu, khảo cứu đa lĩnh vực về Huế - đến 50 điểm thư viện toàn tỉnh. Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3000 cuốn sách cho huyện A Lưới.
Khai mạc diễn ra ngắn gọn trong một tiếng, có nhiều hoạt động bên lề. 33 đơn vị xuất bản giới thiệu hàng nghìn đầu sách ở 16 khu trưng bày, với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, thu hút khoảng 1.000 độc giả ngày đầu.
Sau một vòng dạo quanh sự kiện, Nguyễn Thị Tâm, sinh viên năm hai ngành Sư phạm tiểu học, chọn được cuốn Chiến binh cầu vồng. Tâm cho biết duy trì thói quen đọc sách từ những năm cấp hai đến nay, thích thể loại tiểu thuyết, tản văn. "Em thường chọn sách của Nhã Nam, Kim Đồng. Tại nhà, em cũng có tủ sách riêng được tích lũy qua nhiều năm", độc giả nói.
Một số chương trình trọng tâm của lễ hội như tổ chức giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm, tọa đàm, triển lãm, tranh nghệ thuật, nhạc phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Nhiều chương trình văn nghệ về di sản văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế diễn ra tối cùng ngày.
Nổi bật trong các hoạt động là triển lãm Huế xưa và nay - trưng bày sách và các tư liệu cổ đang lưu giữ tại địa phương, hình ảnh về thành phố thời kỳ đổi mới. Độc giả có thể tham gia viết chữ thư pháp tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tủ sách Huế gồm 11 cuốn sách cổ cũng sẽ được giới thiệu. Lãnh đạo tỉnh sẽ gặp gỡ một số nhà xuất bản, công ty phát hành để trao đổi hợp tác phát triển tủ sách Huế.
Ngày Sách và Văn hóa đọc diễn ra từ 21/4 đến 1/5, mang thông điệp Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo và Sách cho tôi, cho bạn. Ngoài Huế, nhiều hoạt động chào mừng ngày Sách diễn ra khắp cả nước. Hệ thống trường học sẽ hưởng ứng nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Các đơn vị xuất bản phát hành ấn phẩm, tổ chức tuần lễ sách, kết hợp với các sàn thương mại điện tử để quảng bá sách.
Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu năm 2014. Ba năm sau, Chính phủ đổi tên thành Ngày sách và Văn hóa đọc, nhằm lan tỏa thói quen đọc sách trong xã hội. Năm 2022, sự kiện được tổ chức trên cả nước sau hai năm trì hoãn vì dịch.
Hà Thu - Võ Thạnh