Nhiều ngày qua, chị Nguyễn Ngọc Châu (24 tuổi, quê Bạc Liêu) như ngồi trên đống lửa bởi chưa xin học được cho con gái 6 tuổi, trong khi chưa đầy nửa tháng nữa đến ngày khai giảng. Gia đình chị trọ tại khu phố 1, phường Tân Thới Nhất, quận 12, có giấy xác nhận tạm trú từ tháng 8/2018, nhưng đến tháng 10/2019 mới làm được sổ tạm trú KT3.
So với yêu cầu tuyển sinh lớp 1 của quận 12, sổ tạm trú của chị thiếu 2 tháng (quy định tính từ 31/7/2019 trở về trước). Hơn tuần nay, chị chạy đôn chạy đáo lên phường, ban điều hành khu phố để xin học cho con nhưng chưa được giải quyết.
Chồng làm phụ hồ thu nhập 7-8 triệu mỗi tháng, chị Châu ở nhà nội trợ và trông hai con nhỏ. Tiền thuê trọ, điện nước mỗi tháng gần 3 triệu đồng, khoản còn lại chỉ đủ cho gia đình chi tiêu. "Chúng tôi chỉ có thể lo cho con vào trường công thôi, học phí trường tư đắt, rẻ nhất cũng 4-5 triệu đồng, không kham nổi", chị Châu nói.

Chị Nguyễn Ngọc Châu, phường Tân Thới Nhất, quận 12 và hồ sơ xin học cho con, ngày 21/8. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tương tự, chị Trần Thị Thanh Thùy (25 tuổi, quê Hưng Yên) gần một tháng nay không tìm được trường cho con gái. Kết hôn và sinh hai con ở quê, đầu năm ngoái, chồng chị Thùy chuyển vào TP HCM làm bốc vác, vợ và hai con ở nhà với ông bà. Từ tháng 4, chị chuyển con vào thành phố và làm sổ KT3 cho gia đình. Sau đó, chị làm đơn xin học cho con, nộp lên phường, nhưng từ đó đến nay không được tiếp nhận bởi KT3 chưa đủ một năm.
Chưa có việc làm nên chị Thùy ở nhà trông hai con, đứa lớn 6 tuổi, út 3 tuổi. Sinh hoạt cả gia đình phụ thuộc vào 8-9 triệu đồng lương của chồng. "Giống như nhiều phụ huynh khác, tôi không thể xin học cho con vào trường tư bởi quá đắt đỏ. Năm học mới đã đến rồi, tôi cũng không đành cho con học muộn một năm vì như thế sẽ rất thiệt thòi", chị Thùy nói.
Cùng hoàn cảnh, chị Lê Thị Hương (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) không thể xin học cho con ở bất cứ trường nào quận 12 do KT3 chưa đủ năm. Quê thường xuyên lũ lụt, chị Hương chuyển vào Sài Gòn hơn 10 năm, nhận hàng may mặc gia công ở nhà. Thu nhập hai vợ chồng bấp bênh, chừng 10-12 triệu đồng mỗi tháng nên cũng không đủ điều kiện cho con học bên ngoài.
"Theo tôi biết ở các quận khác, chỉ cần có giấy tạm trú cũng được giải quyết, nhưng tại sao ở đây có sổ tạm trú cũng không xin học được? Tôi vất vả chạy trường khắp nơi nhưng không được", chị Hương nói.
Nằm giáp quận Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, quận 12 tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, thu hút lượng lớn người nhập cư. Không riêng chị Châu, chị Hương, hàng nghìn gia đình khác chưa có sổ KT3 đã không thể xin học cho con vào trường công lập.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, năm học 2020-2021 quận 12 là một trong ba quận huyện đông học sinh nhất TP HCM với hơn 111.000 em, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Trong đó hơn 1.700 học sinh thuộc diện "có KT3 chưa đủ thời hạn", nhiều nhất thành phố. Trong khi đó, các quận huyện khác với áp lực học sinh ít hơn, đã giảm số lượng lớp học hai buổi một ngày, giảm lớp bán trú, xây thêm trường lớp để đáp ứng đủ học sinh nhập cư.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, cho biết Học sinh tăng nhưng quận không có thêm trường tiểu học mới. Sĩ số học sinh trung bình năm ngoái là 45 em mỗi lớp, vượt quá tiêu chuẩn (35 em mỗi lớp). Quận tính đến phương án ép các lớp dạy hai buổi mỗi ngày, tăng sĩ số lớp lên 48 em nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ. Do đó, thứ tự ưu tiên khi công bố tuyển sinh của quận là học sinh có hộ khẩu hoặc KT3 tính từ 31/7/2019 trở về trước.
Sau khi sắp xếp ổn định học sinh, đầu tháng 8, quận quyết định nâng sĩ số lên 50 em để nhận thêm được 700 em thuộc diện KT3 chưa đủ thời hạn. Quận ưu tiên trước cho gia đình chính sách, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc con em hộ nghèo... Hơn 1.000 trường hợp còn lại, ông Hùng cho rằng phụ huynh có thể nhập học cho con tại trường ngoài công lập. "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, tìm mọi cách để nhận nhiều học sinh nhất có thể", ông Hùng chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng trên, chiều 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện thống kê số học sinh lớp 1 nhập học tại các trường tiểu học, kể cả các em không đủ điều kiện xét tuyển trường công lập. Dự kiến tuần sau, thành phố có buổi làm việc, rà soát lại vấn đề này.
Năm học 2020-2021, TP HCM có thêm 54.600 học sinh, nâng tổng số học sinh mầm non, tiểu học đến THPT lên 1,74 triệu. Số học sinh tăng nhiều nhất ở khối công lập với hơn 48.000 em, còn lại là ngoài công lập.
Trong số này, hơn 378.000 học sinh không có hộ khẩu ở thành phố mà chỉ có sổ tạm trú KT3 hoặc giấy xác nhận tạm trú. TP HCM đã xây 1.371 phòng học mới, tuyển hơn 7.000 giáo viên mới để đáp ứng số học sinh gia tăng trên.
Ở bậc mầm non, trẻ tựu trường và khai giảng cùng ngày 5/9. Với bậc phổ thông, từ tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên, ngày tựu trường là 1/9, khai giảng 5/9. Hiện các quận huyện đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp.