Sáng nay, cơn mưa tầm tã vào đầu giờ thi môn Văn đã khiến nhiều thí sinh Hà Nội đến muộn. Tại phòng thi số 2 THPT Nhân Chính, 3 thí sinh quên thẻ học sinh và chứng minh nhân dân đã phải làm giấy cam đoan và được nhà trường bảo lãnh. Còn tại TP HCM, bất chấp cơn mưa tầm tã, phụ huynh vẫn mặc áo mưa và sáp thành từng nhóm chờ con làm bài.
Từ 6h30, các thí sinh của 19 trường thuộc quận Tân Bình, Phú Nhuận... đã có mặt tại THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) để thi môn Văn. Trong lúc nghe phổ biến quy chế, nhiều em vẫn tranh thủ "nạp" thêm kiến thức từ tập đề cương đang cầm trên tay. Có em chia sẻ, rất căng thẳng vì "ngán" môn học này.
10h sáng, kết thúc buổi thi môn Văn, thí sinh ùa ra cổng các hội đồng với nụ cười nhẹ nhõm. Tôn Thất Quang, cựu học sinh THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) cho biết, ở kỳ thi tốt nghiệp hồi tháng 5, cậu chỉ được 3,5 điểm môn Văn nên phải thi lại môn này.
"Lần này chắc phải được khoảng 6-7 điểm, vì em dồn sức tập trung ôn từ lúc biết kết quả thi tốt nghiệp tới giờ", Quang nói. Còn theo một thí sinh đến từ THPT Nguyễn An Ninh (quận 10), đề Văn không khó, chỉ cần ôn tập kỹ là làm được. Nữ sinh này cũng chia sẻ ở kỳ thi tốt nghiệp lần 1, do học tủ, không trúng đề nên chỉ được 3 điểm Văn.
Còn Đào Đức Duy (THPT Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cho biết: "Trong phòng em, nhiều bạn làm được bài, chắc là qua hết". Duy làm xong hết nhưng phần bài làm liên quan đến bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương” em làm không được tốt.
Thí sinh tại Hội đồng THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM) tranh thủ đọc tài liệu trước giờ thi môn Văn. Ảnh: Lan Hương.
Trái ngược với môn Văn, môn Sinh thi chiều nay được nhận định là khá "hóc búa" dù phần kiến thức được hỏi hoàn toàn nằm trong chương trình, theo ý kiến của nhiều thí sinh ở TP HCM.
Thí sinh rời khỏi các hội đồng với vẻ mặt khá thất vọng. Theo ghi nhận của VnExpress.net, thậm chí, ở các hội đồng THPT Lê Hồng Phong (quận 5), Lương Thế Vinh (quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), nhiều em còn than thở đề Sinh khó hơn ở kỳ thi tốt nghiệp lần 1.
Dù vậy, nhiều thí sinh vẫn bày tỏ hy vọng vào khả năng đỗ tốt nghiệp. Nhiều em cho biết sẽ đăng ký học trung cấp nghề, số ít sẽ đi luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào năm sau.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Văn Ngai, thành phố có 5 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên bị đình chỉ và hủy kết quả do mang tài liệu và sử dụng điện thoại di động. Riêng hệ phổ thông không có thí sinh nào vi phạm. Tỷ lệ bỏ thi môn Văn hệ phổ thông là gần 7%, giáo dục thường xuyên là 10%, môn Sinh vắng gần 210 thí sinh.
Còn Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, toàn thành phố có 756 thí sinh bỏ thi và 32 em bị đình chỉ vì sử dụng tài liệu, vi phạm quy chế thi.
Ở kỳ thi lần này, do mở rộng địa giới hành chính nên lượng thí sinh của Hà Nội tăng gấp 2 lần, với gần 20.000 em. Nhiều trường ngoại thành của Hà Nội (thuộc Hà Tây cũ) có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50% như THPT Trần Phú (23%), THPT Bất Bạt (38%)... Tỷ lệ trượt cao, cộng với việc học sinh ôn tập chểnh mảng khiến cho lãnh đạo các trường lo ngại tỷ lệ đỗ ở lần 2 sẽ không cao.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Lệ Hằng cho biết, huyện có chừng 750 thí sinh dự tại THPT Phú Xuyên A. Do cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục thấp hơn so với mức chuẩn của thủ đô nên lãnh đạo các huyện của Hà Tây cũ lo lắng tỷ lệ đỗ không cao.
Có hơn 200 thí sinh thuộc diện thi lại nhưng THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất) đến ôn thi khá vắng. Ngày 1/7 trường tổ chức ôn thi nhưng có lớp chưa đến 10 học sinh tới học. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tâm cho biết thí sinh đăng ký thi lại đông nhất là môn Văn, có em thi lại tới 4 môn.
Theo Hiệu trưởng THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Tùng Lâm, việc Bộ GD&ĐT quyết định đây là kỳ thi lần 2 cuối cùng là hoàn toàn hợp lý, bởi nếu còn duy trì kỳ thi này, học sinh sẽ ỉ lại không cố gắng học để đỗ ngay ở lần 1.
Ngày mai, học sinh THPT thi môn Vật lý (60 phút) và Lịch sử (90 phút), còn học sinh bổ thúc thi môn Địa lý và Lịch sử (90 phút).
Nhóm phóng viên