Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo miễn phí hơn 1.000 bác sĩ gia đình, nhân viên y tế tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình đang được thúc đẩy mạnh và nhân rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Hoạt động “Cập nhật kiến thức liên tục y học gia đình” này do Pfizer tài trợ, kéo dài đến cuối năm 2016, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện sức khỏe và niềm tin của người dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Dự kiến có khoảng 12 buổi đào tạo liên tục tổ chức mỗi 2 tuần. Nhiều chuyên đề y khoa về các bệnh thường gặp được trình bày. Qua đó, bác sĩ trang bị thêm kỹ năng chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả và chuyển tuyến chuyên khoa kịp thời trường hợp nặng. ...
Ông Bradley Silcox - Trưởng đại diện Pfizer Việt Nam cho biết, việc cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn y học gia đình cho các bác sĩ hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”. Chương trình đào tạo liên tục, cấp tiến, không chỉ dành cho các bác sĩ ở thành phố lớn, mà còn phục vụ cán bộ y tế cấp tỉnh qua hệ thống đào tạo trực tuyến. Các bài giảng cũng được dựng lại thành phim, đưa lên website trực tuyến để bổ sung kho kiến thức cho khóa học online. Sau 3 tháng theo học, các bác sĩ sẽ được bổ sung chứng chỉ hành nghề y học gia đình.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hương - Giám đốc y khoa Pfizer Việt Nam nhấn mạnh, trong thời đại hiện nay, bác sĩ gia đình có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa và phòng ngừa bệnh tật cho người dân.
Bác sĩ gia đình là người khám chữa bệnh đầu tiên, hiểu rõ sức khỏe và hoàn cảnh của từng bệnh nhân, do gần dân nhất và gắn với dân trong thời gian dài chăm sóc. Họ có thể khám tại phòng khám, hoặc đến tận nhà chữa trị nếu bệnh nhân đi lại khó khăn.
Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, bác sĩ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện và liên tục cho cá nhân, hộ gia đình; sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng với phạm vi chuyên môn cho phép; tham vấn về các vấn đề sức khỏe, chăm sóc hướng dự phòng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Mô hình bác sĩ gia đình bao gồm yếu tố dự phòng, giúp người dân sàng lọc và phòng ngừa bệnh tật. Khi cần thiết phải khám chuyên khoa, phẫu thuật hoặc nằm viện, bệnh nhân sẽ chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải ùn ứ ở bệnh viện tuyến trên. Tại các nước phát triển, mô hình này áp dụng rộng rãi, góp phần giải quyết gần 80% vấn đề sức khỏe của người dân.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu phó Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, phòng khám bác sĩ gia đình đang được thúc đẩy và nhân rộng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 80% tỉnh thành triển khai toàn diện mô hình này. Hiện mới có 8 tỉnh thành trên cả nước được thí điểm (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang).
Tính đến tháng 6/2016, có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập. Trong đó, có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế nằm trong bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế. Số còn lại là thuộc tư nhân.
Từ năm 2013 đến tháng 6/2015, các phòng khám bác sĩ gia đình trên cả nước thực hiện 3.812 ca cấp cứu, 807.720 lượt khám chữa bệnh, 12.024 ca thủ thuật, chuyển tuyến 14.440 bệnh nhân, triển khai 3.094 ca khám bệnh tại nhà cũng như tư vấn, phục hồi chức năng... Ngoài hoạt động tại phòng khám, các bác sĩ gia đình thực hiện các hoạt động tại hộ gia đình quản lý như khám bệnh, kê đơn, thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, khí dung, tiêm truyền...
An San