Tác phẩm cuối cùng của chuyên gia kinh tế Daniel Cohen phát hành năm 2022 ở Pháp, ra mắt độc giả Việt trong tháng 3 năm nay. Sách gồm hai phần: Ảo tưởng số và Trở lại thực tại, nêu mặt trái của công nghệ tác động lên nhân loại và thách thức của chúng với nền kinh tế, chính trị, xã hội.
Cuốn sách chỉ ra AI được tạo ra bằng cách lấy cảm hứng từ bộ não, dựa trên mạng lưới nơron thần kinh để tìm hiểu tiến trình học hỏi của con người. Sách viết: "Mỗi khi máy tính phát hiện một chiến lược giúp nó tiến bộ, nó sẽ ghi nhớ những kết nối tạo chiến thắng, theo cách các khớp thần kinh ở con người hoạt động, nhờ đó có thể xây dựng đường kinh nghiệm riêng cho nó".

Bìa "Homo Numericus", sách 220 trang do Hải Hà dịch sang tiếng Việt, NXB Thế giới và Nhã Nam liên kết ấn hành. Ảnh: Nhã Nam
Theo Daniel Cohen, công nghệ tạo ra chủ nghĩa tư bản số mới, con người dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thuật toán theo dõi cuộc sống của họ. Chúng thay đổi cách giải trí, học tập, chăm sóc hay tán tỉnh. Mọi thứ đều mang lại sự tiện lợi chưa từng có nhưng cũng khiến ta đối mặt nhiều mâu thuẫn.
Tác giả chỉ ra sự biến chuyển hiện nay đang tạo ra các cá nhân cả tin và thiếu tư duy phản biện. Công nghệ tác động xấu đến giới trẻ, sách đưa dẫn chứng cho thấy thanh thiếu niên gần như dành 40% cuộc đời để đắm chìm trong các thiết bị: "Ngay từ tuổi lên hai, trẻ con đã có gần ba tiếng đồng hồ mỗi ngày ngồi trước màn hình. Từ tám đến 12 tuổi, thời gian trung bình ngồi trước các loại máy tính bảng và điện thoại di động là bốn tiếng 45 phút mỗi ngày. Từ 13 đến 18 tuổi là sáu tiếng mỗi ngày".
Đời sống tinh thần và tình cảm của người trẻ rối loạn, hình thành từ những thứ gây nghiện như tình dục trên mạng, tác động nặng nề lên chế độ dinh dưỡng và nguy cơ béo phì, khả năng chú ý bị ảnh hưởng bởi việc chuyển kênh liên tục, bốc đồng và thiếu kiên nhẫn, người trẻ cũng không thể tập trung vào sách khi bị cản trở bởi điện thoại di động. Ngoài ra, mạng xã hội cũng là nguyên nhân xuất hiện hội chứng FOMO (fear of missing out - nỗi sợ bỏ lỡ), họ liên tục xem điện thoại bởi lo lắng rằng sẽ vô tình bỏ lỡ điều gì đó, thông tin, gossip (tin đồn) hoặc cơ hội.
Sách có đoạn: "Giao diện chỉ cần dùng ngón tay chạm vào đã tạo ra một liên hệ gây nghiện, giống như ma túy chiếm hữu, não bộ lệ thuộc vào việc sử dụng nó. Một nghiên cứu của Đức được Gerald Bronner trích dẫn cho thấy tiếng chuông điện thoại chính xác cùng một vùng não như khi tên của người sở hữu điện thoại được thốt ra! Ngay cả lúc điện thoại di động đang tắt nhưng vẫn ở trong tầm mắt thì nhu cầu bật nó lên hay cảm nhận nó trong tay là không thể cưỡng lại".
Mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Theo cuốn sách, người điều hành Facebook Sean Parker từng không ngần ngại thừa nhận ứng dụng này khai thác tính dễ tổn thương của tâm lý con người, gây nghiện: "Xã hội số nhấn người ta chìm sâu vào thế giới ảo, các mạng xã hội kích thích cạnh tranh nhằm thu hút sự chú ý và dẫn đến đặt nặng sự dị biệt thông qua khiêu khích, nói quá, trút giận, thậm chí khoái trá khi có thể nói điều không thể nói, diễn tả điều không thể tả".
Daniel Cohen cho rằng cách mạng số sẽ tái định hình đời sống xã hội. Nhân loại cũng phải đối mặt với nguy cơ của việc mất kết nối khi các trợ lý thuật toán ảo thay thế cộng sự là con người, giảm việc gặp trực tiếp, phá vỡ mối quan hệ với người khác.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng số cũng mở ra một tương lai khác. Nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe, xã hội không dựa trên chủ nghĩa cá nhân hay mô hình phân cấp. Trong nhiều khía cạnh, công nghệ mang đến cho cách mạng tư bản mới cơ hội khẳng định mình. Nó kích thích sự đối lập giữa các nhà cung cấp và mang lại cho doanh nghiệp cơ hội cân nhắc về những hình thức tổ chức mới, chuộng thuê ngoài và thầu phụ. Sách đặt câu hỏi về vai trò của con người trong thời đại số: Liệu chúng ta có đủ sáng suốt để nắm bắt những cơ hội mới, đồng thời tránh xa những mặt tối của công nghệ?
Sách viết dễ hiểu, tác giả đưa nhiều dẫn chứng. Neil Jordan, biên tập viên tại Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp, thị trường và đạo đức (CEME) nhận xét về sách trên blog: "Tác giả sử dụng nhiều bằng chứng và ví dụ minh họa được rút ra từ nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, lập luận chặt chẽ".

Tác giả Daniel Cohen. Ảnh: AFP
Daniel Cohen sinh năm 1953, mất năm 2023, là chuyên gia kinh tế người Pháp, đồng sáng lập và giáo sư tại trường Kinh tế Paris. Ông nghiên cứu sâu về nợ công và lạm phát, giữ vị trí đặc biệt trong cộng đồng kinh tế học và tri thức toàn cầu.
Châu Anh