Cơ sở để lựa chọn là kết quả của kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia, căn cứ vào kết quả thi của cả 6 bài và điểm thi của 3 bài không bị trùng lặp với các đề cũ (bài 2, 3 và 5) để xác định thứ tự xếp hạng của các thí sinh.
Với cách thức lựa chọn như vậy, có 6 thí sinh có kết quả cao nhất khi xét cả hai phương án, Cục đã đề nghị đưa vào thành phần chính thức của đội tuyển.
Bốn học sinh tiếp theo nằm trong danh sách 9 thí sinh có kết quả đạt ở mức khá, giỏi theo cả hai phương án xét (29,5/42 điểm khi tính cả 6 bài, 15/21 điểm khi xét 3 bài), được triệu tập thêm để tham gia tập huấn và dự một kỳ sát hạch khác để chọn ra một thành viên còn lại của đội tuyển.
5 học sinh đội tuyển chính thức: Đỗ Quốc Khánh (Đà Nẵng), Trần Trọng Đan (Hải Phòng), Nguyễn Nguyên Hùng (ĐH Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Trường Thọ (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), Trần Chiêu Minh (TP HCM). |
4 học sinh dự bị: Lê Đình Huy (Hải Dương), Trần Đức Anh (Hà Nội - Amsterdam), Hoàn Mạnh Hùng và Phạm Kim Hùng ĐH KHTN (ĐH Quốc gia). |
Trước đây, nhiều nhà giáo chuyên lựa chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi cũng cho rằng nên chọn 10-15 học sinh để bồi dưỡng sau đó mới loại bớt. Như vậy mới đảm bảo chọn được người thực sự có tài vì kết quả một bài thi chưa phản ánh hết thực lực của học sinh.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT đảm bảo quyền lợi của học sinh như các thành viên của đội tuyển cho dù em có vượt qua được kỳ sát hạch sắp tới hay không.
Theo ông Trần Văn Nghĩa thì sự cố đề thi lần này không có dấu hiệu của hiện tượng tiêu cực, mà chỉ là sai sót mang tính ngẫu nhiên khi người ra đề tham khảo các tài liệu nước ngoài mà không xem xét một cách kỹ lưỡng các đề đã ra ở các địa phương trong nước. Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, những sai sót lần này là lỗi ở những người tổ chức. Tuy nhiên, công việc trước mắt là tập trung huấn luyện cho đội tuyển để có kết quả cao nhất. Còn sau kỳ thi, Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và quy trách nhiệm nghiêm túc để năm sau không xảy ra sự cố tương tự.
Trịnh Vũ