![]() |
Bị cáo Năm Cam được dẫn giải tới tòa. |
Bị cáo Trần Mai Hạnh (nguyên tổng biên tập tờ Nhà báo & Công luận, nguyên tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam) cùng luật sư bào chữa Đặng Văn Luân khẳng định cơ quan điều tra đã cho các bị cáo khác thông cung, vu khống để kết tội mình. Đáp lại lời bào chữa này, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự trong đó cho phép khởi tố luật sư Đặng Văn Luân vì cho rằng luật sư Luân đã xúc phạm cơ quan tiến hành tố tụng. Trước sau như một, luật sư Đặng Văn Luân vẫn bảo lưu quan điểm của mình và cho rằng đó là quyền nói lên sự thật của luật sư khi bào chữa cho thân chủ trước toà.
Bị cáo Nguyễn Thập Nhất (nguyên trưởng phòng kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội) - người duy nhất trong số các bị cáo từng công tác trong ngành pháp luật không thuê luật sư bào chữa - cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm pháp luật tố tụng ở giai đoạn điều tra và truy tố, có nhiều sự khác biệt giữa nội dung cáo trạng và bản luận tội của đại diện viện kiểm sát.
Các bị cáo Phạm Sĩ Chiến (nguyên phó viện trưởng VKSND Tối cao), Nguyễn Mạnh Trung (nguyên phó Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP HCM), Võ Quang Thắng (nguyên phóng viên báo Công an TP HCM)… đều phản đối lập luận kết tội của bên viện kiểm sát. Các bị cáo trên cho rằng cơ quan kiểm sát mới chỉ dựa vào lời khai của một số bị cáo khác mà chưa hề kiểm chứng để buộc tội là không đủ căn cứ.
Bất ngờ lớn nhất trong phiên tòa kéo dài gần 100 ngày là bị cáo Nguyễn Xuân Trường (Trường “xoăn”) và bị cáo Nguyễn Mạnh Trung cùng có lời khai rằng Tống Viết Hoà (chủ vũ trường Phi Thuyền) cũng có trách nhiệm trong vụ giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà). Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (bào chữa cho bị cáo Năm Cam) nêu lên những nghi ngờ về mối quan hệ giữa Tống Viết Hoà với Nguyễn Tuấn Hải và đặt nghi vấn Hoà đã ra lệnh cho Hải “Bánh” giết Dung Hà.
Bên cạnh đó, lời khai của Dương Ngọc Hiệp (con rể Trương Văn Cam) về việc chi tiền “chạy án” cho Năm Cam năm 1995 đã "động" đến nhiều nhân vật không có tên trong danh sách bị cáo: ông Lê Thanh Đạo (nguyên viện trưởng VKSND Tối cao); Hoàng Ngọc Nhất (nguyên thứ trưởng Bộ Công an), Triệu Quốc Kế (nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an)... Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị HĐXX điều tra làm rõ những lời khai này.
Các luật sư cùng công tố viên cũng tiến hành tranh luận. Nhưng với tỷ lệ 2 công tố - hàng chục luật sư, nên phần tranh luận của các kiểm sát viên không đi vào chi tiết. Và khi bác bỏ lập luận của luật sư, họ cũng chưa đưa ra được lý lẽ phản bác. Chính vì vậy, các luật sư cho rằng những gì bên công tố không nói tới có nghĩa là đồng ý với những quan điểm của họ, và đề nghị HĐXX ghi nhận điều này.
"Hối hận", "xin lỗi"… là những từ quen thuộc của các bị cáo nguyên là cán bộ chiến sĩ công an TP HCM, kể cả bị cáo Dương Minh Ngọc (nguyên trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM) và bị cáo Bùi Quốc Huy (nguyên thứ trưởng Bộ Công an, giám đốc Công an TP HCM). Tuy nhiên, họ đều cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm.
Khi được nói lời cuối cùng, hầu hết các bị cáo đều xin HĐXX xem xét những tình tiết, hoàn cảnh phạm tội cũng như thân nhân, gia đình để giảm nhẹ một phần hình phạt, cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đây là phiên toà hình sự có số lượng bị cáo và người liên quan lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, cũng là một trong những phiên toà đầu tiên được tiến hành theo hướng cải cách tư pháp.
Nghĩa Phương