Mở đầu, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang báo cáo Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn. Sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trình bày báo cáo. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo thẩm tra nội dung trên.
Khác với kỳ họp trước Quốc hội chất vấn theo nhóm vấn đề nóng, kỳ này đại biểu sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa 14, 15. Từ 9h40 đến 14h40, lãnh đạo các ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng trả lời chất vấn.
Buổi chiều, đại biểu chất vấn nhóm lĩnh vực thứ hai công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường. Nội dung này kéo dài đến 9h10 ngày 7/11.
Từ 9h10 đến 15h ngày 7/11, bộ trưởng, trưởng ngành thuộc nhóm lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán sẽ đăng đàn.
15h ngày 7/11 đến 9h30 hôm sau, Quốc hội chất vấn lĩnh vực cuối khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có hơn một giờ trả lời chất vấn từ 9h50 đến 11h ngày 8/11. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Ông Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) mong muốn đại biểu sẽ đặt những câu hỏi đúng tầm, "không hỏi vụn vặt". Quốc hội bàn quốc sách nên câu hỏi cần liên quan đến lợi ích chung của đất nước.
Riêng ông Vân quan tâm đến việc chấp hành pháp luật và thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo bộ ngành. "Người đứng đầu bộ ngành trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Những gì liên quan đến công việc mà ngành đó đảm nhiệm nếu xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thế nào?", ông nói.
Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết quan tâm đến một số vấn đề như: chất lượng dạy học; chăm sóc sức khỏe nhân dân, tai nạn giao thông, tỷ lệ ung thư quá nhiều ở Đồng Nai...
Ông Cường cũng lo ngại tội phạm có nguyên nhân xã hội - tội phạm gia đình có chiều hướng gia tăng với những vụ như con giết cha mẹ, cháu giết ông bà. Điều này cho thấy mâu thuẫn trong gia đình tăng, phải tìm ra nguyên nhân, gốc rễ vấn đề để có giải pháp.
"Không phải bộ trưởng cứ hứa là sẽ làm được vì phụ thuộc yếu tố chủ quan và khách quan. Nhưng các đại biểu sẽ đánh giá thành viên Chính phủ đó có quyết tâm, thực sự hành động hay không, tổ chức thực hiện ra sao", ông chia sẻ.