Thời gian ông Đào Ngọc Dung đăng đàn từ 8h10 đến 11h30 và buổi chiều từ 14h đến 14h20. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ tham gia trả lời.
Nội dung chất vấn bao gồm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, cơ cấu lại chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động.
Bộ trưởng Dung cũng thông tin về giải pháp khắc phục hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực đã từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70-75% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.
Gắn kết giữa đào tạo - doanh nghiệp - thị trường lao động có chuyển biến tích cực, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nhiều cơ sở đào tạo đã thành lập bộ phận chuyên trách về gắn kết doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động; quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, đặc biệt đối với những lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh. Hội nhập quốc tế chưa chủ động và hiệu quả chưa cao; chưa khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng hợp tác đa phương và song phương.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường tính mở, liên thông, thực hiện tốt hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông. Chính sách thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp sẽ được chú trọng, đồng thời các cơ quan sẽ nghiên cứu, bổ sung các trình độ đào tạo để hình thành hệ thống đào tạo thực hành trình độ cao.
Đẩy mạnh dự báo nhu cầu sử dụng lao động
Ông Dung cho hay lực lượng lao động từ 15 tuổi quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người, song tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, khu vực nông thôn là 71,3%. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, trong 4 tháng đầu năm là gần 50.000. Thu nhập của người lao động được cải thiện, bình quân đầu người quý I năm 2023 là 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, do tác động suy thoái kinh tế, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người. Số thôi việc, mất việc là 280.000 người; nhiều nhất là ngành dệt may. Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.
Hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, trong đó 27% doanh nghiệp FDI; 72% doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là vùng Đông Nam Bộ, chiếm gần 2/3; 12% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo thống kê, lao động chưa qua đào tạo bị thôi việc, mất việc chiếm tỷ lệ lớn nhất 68%.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người mất việc, giảm giờ làm như tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề, tín dụng ưu đãi, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ yếu tố của thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Bộ cũng giao các cơ quan đẩy mạnh dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề của doanh nghiệp; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất.
Nghiên cứu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, quy mô Quỹ bảo hiểm xã hội tăng nhanh qua các năm. Cuối năm 2022, quy mô các quỹ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ. Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh từ 8-9% mỗi năm còn khoảng 2,5-2,8% mỗi năm vào năm 2021.
Nguyên nhân tốc độ sinh lời chưa cao là do Luật Bảo hiểm xã hội không quy định phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn; ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn quỹ đi đôi với sinh lời. Danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; chưa có hình thức ủy thác đầu tư. Luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể về quản trị rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư.
Bộ đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng bổ sung mục riêng về đầu tư Quỹ BHXH gồm 3 Điều, trong đó quy định về nguyên tắc đầu tư, danh mục đầu tư và phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH trong thời gian tới.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 bắt đầu từ sáng 6/6, kéo dài 2,5 ngày với bốn nhóm vấn đề. Sau Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn.