Bệnh gai đôi cột sống do cha bị nhiễm chất độc da cam để lại khiến anh Mười không thể trở thành kiến trúc sư. Ảnh: H.K. |
Đến dự cuộc họp báo trước ngày lên đường, tay ông Nguyễn Văn Quý (52 tuổi, ở Hải Phòng) còn quấn băng bởi vừa phải truyền dịch sau đợt suy kiệt sức khỏe. Trong thời gian đi bộ đội, đóng quân tại miền Nam Việt Nam (1972-1975), ông thường xuyên ăn sắn, rau dại, uống nước suối tại nhiều khu vực bị rải chất diệt cỏ. Hệ quả là cả hai bà vợ của ông đều sinh ra những đứa trẻ dị tật. Bản thân ông bị ung thư dạ dày, tổn thương gan, dịch trong màng phổi.
Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi ở Đồng Nai), thành viên nữ duy nhất trong đoàn, sang Mỹ với một bệnh tích đầy mình: suy tim, cao huyết áp, thiếu máu não, ung thư vú di căn xương, đau dạ dày, xơ gan, sỏi túi mật và bàng quang, giãn tĩnh mạch chi, da lở loét. Năm 1964, khi đang công tác tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, một lần xuống suối vo gạo, bà bị máy bay Mỹ rải chất hóa học ngay trên đầu. Sau đó, bà còn phải ăn, uống nước suối và rau rừng nhiễm hóa chất. Bà Hồng có 3 người con đều ốm yếu, trong đó có 1 cháu bị dị tật tim.
Thành viên trẻ nhất trong đoàn là Nguyễn Mười (24 tuổi ở thành phố Huế). Căn bệnh gai đôi cột sống đã buộc chàng trai này phải rời ghế trường ĐH, từ bỏ ước mơ trở thành kiến trúc sư. Anh cũng mất luôn khả năng lao động, phải sống dựa vào người thân. Cha Mười từng là lính trong quân đội Cộng hòa Nam Việt Nam. Thời kỳ 1970-1975, ông chuyên nấu ăn cho một đơn vị bộ binh đóng quân tại thung lũng A Lưới, ăn rau, uống nước suối và nhiễm chất độc da cam.
Ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc ca cam/dioxin Việt Nam, là người dẫn đầu đoàn nạn nhân sang Mỹ, cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là sức khỏe của 4 nạn nhân. Ngoài 3 người kể trên, anh Võ Thanh Hải (58 tuổi ở Thừa Thiên - Huế) đang mang trong mình căn bệnh Hodgekins do phơi nhiễm chất diệt cỏ và dioxin. "Họ rất yếu, nhưng tất cả đều quyết tâm và tin tưởng vào công lý. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý và đạo lý, cả ở trong nước và quốc tế để tiến hành vụ kiện này", ông Thu nói.
Ngày 18/6 sắp tới sẽ diễn ra phiên tòa phúc thẩm giữa nguyên đơn là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và bị đơn là các công ty hóa chất sản xuất chất da cam của Mỹ trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam. Theo luật sư Lê Đức Tiết, Ủy viên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đây là phiên tiền xét xử, tòa chỉ xem xét có thể đưa vụ kiện ra hay không. Nếu đủ cơ sở pháp lý thì phiên tòa sẽ bước sang giai đoạn hai là xét xử về mặt thực chất, lúc đó Việt Nam sẽ phải trình bày có bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam, thiệt hại như thế nào, đòi các công ty đền bù bao nhiêu.
Tiến trình vụ kiện
STT |
Nội dung |
Ngày tháng |
1 | Bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ | 30/1/2004 |
2 | Hội nghị tiền xét xử lần thứ nhất | 18/3/2004 |
3 | Hội nghị tiền xét xử lần thứ hai | 18/6/2004 |
4 | Luật sư bên nguyên trình Tòa đơn kiện sửa đổi | 13/9/2004 |
5 | Bên bị trình tòa văn bản tranh tụng đợt 1 | 3/11/2004 |
6 | Tuyên bố quan tâm của Chính phủ Mỹ | 12/1/2005 |
7 | Bên bị trình tòa văn bản tranh tụng đợt 2 | 18/1/2005 |
8 | Tranh tụng tại tòa sơ thẩm | 28/2/2005 |
9 | Tòa án Mỹ ra quyết định (233 trang) | 10/3/2005 |
10 | Tòa án Mỹ ra quyết định sửa đổi (234 trang) | 28/3/2005 |
11 | Bên nguyên kháng nộp văn bản kháng cáo chính thức lên tòa phúc thẩm | 30/9/2005 |
12 | Bên bị kháng nộp các văn bản trả lời | 6/2/2006 |
13 | Văn bản của Chính phủ Mỹ ủng hộ bị kháng Văn bản của Phòng thương mại Mỹ ủng hộ bị kháng |
15/2/2007 |
14 | Bên nguyên kháng nộp văn bản trả lời bên bị kháng | 18/4/2006 |
15 | Tranh tụng tại tòa phúc thẩm | 18/6/2007 |
Hồng Khánh