Bà Đặng Thị Hồng Nhựt. Ảnh: TT |
Chuyến đi này được tổ chức theo lời mời của Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm và Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình.
Trong vòng một tháng, đoàn sẽ đi qua 12 thành phố lớn nhất nước Mỹ, tổ chức trò chuyện, chiếu phim, trưng bày ảnh tại các khu dân cư. Ngoài ra, đoàn sẽ gặp gỡ một số cựu chiến binh Mỹ cũng bị nhiễm chất độc da cam, nhằm làm tăng hiểu biết của người Mỹ về hậu quả chiến tranh và chất độc da cam ở VN.
Theo GS Nguyễn Trọng Nhân, qua những hoạt động này, Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam hy vọng tìm kiếm sự đồng cảm trước những nỗi đau, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của dư luận, tăng sức ép khiến những bên có trách nhiệm không thể từ chối, đặc biệt là trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Các thành viên mang theo khoảng 1.000 tờ rơi để phát trong các cuộc gặp gỡ. Hàng trăm bức ảnh của các nạn nhân bị ảnh hương qua cả ba thế hệ, 3 bộ phim nói về hậu quả của chất độc da cam sẽ phần nào làm người dân Mỹ hình dung ra cuộc sống nặng nề của các nạn nhân.
Bà Đặng Thị Hồng Nhựt là người bị ảnh hưởng trực tiếp của chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Trung Việt Nam. Hòa bình lập lại nhưng bà Nhựt vẫn không được sống yên bình. Khối u ruột và khối u tuyến giáp luôn hành hạ người phụ nữ này. Chồng bà cũng bị ảnh hưởng chất độc này và đã mất cách đây 6 năm vì căn bệnh ung thư phổi. Đau lòng hơn, đứa con của bà Nhựt chưa kịp chào đời đã chết trong bụng mẹ khi mới được 6 tháng tuổi.
Ông Hồ Sĩ Hải là chánh văn phòng Hội nạn nhân da cam tỉnh Thái Bình. Bản thân ông cũng bị nhiễm chất da cam và mang trong mình căn bệnh u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường, ngứa gây ra bạch tạng, cơ chân đàn hồi kém. Ông có hai con trai bị câm điếc, một người con gái chết khi mới 5 tuổi vì ung thư hạch và một người con gái bị tâm phân liệt. Trong chuyến đi lần này ông Hải sẽ đại diện cho các nạn nhân da cam Việt Nam nói chung và 28.000 nạn nhân của tỉnh Thái Bình nói riêng, kể lại cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn tác hại của chất độc da cam.
T.V.