Ngày 23/8/1945, nhân dân Thừa Thiên - Huế khắp nơi vùng dậy lật đổ triều đại nhà Nguyễn. Một tuần sau đó, tại Huế đã diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại, đánh dấu sự chấm dứt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Ông Trần Phùng kể về diễn biến của ngày diễn ra lễ thoái vị của vua Bào Đại đúng 66 năm về trước. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Là học sinh tham gia phong trào thanh niên tiền tuyến, ông Phùng (nay 85 tuổi) được phân công bảo vệ cho lễ trao ấn kiếm của vua Bảo Đại. Lúc đó nhà nước mới chưa có quân đội nên trong ngày diễn ra lễ thoái vị, Chính phủ lâm thời cử một đội quân du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) ra Huế cùng với lực lượng thanh niên tiền tuyến đứng gác suốt buổi lễ.
Ông Phùng kể, nghe tin vua Bảo Đại làm lễ thoái vị, người dân khắp nơi tập hợp thành từng đoàn đi tước con dấu của lý hương, lý trưởng, hương bộ. Ở quê ông Phùng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang cách thành phố Huế 7 km, nhân dân đã nhanh chóng tước con dấu và đứng lên làm chủ.
Nghe tin về lễ thoái vị của vua, người dân rất tò mò. “Họ nói với nhau rằng dù sao thì nước phải có vua, chứ lúc đó dân chưa hiểu gì về chế độ dân chủ nên đã tìm cách lại gần cửa Ngọ Môn để xem. Sau này được cán bộ cách mạng tuyên truyền thêm, dân mới hiểu về chế độ dân chủ cộng hòa”, ông Phùng nhớ lại.
Cửa Ngọ Môn, nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Khi đại diện Chính phủ lâm thời tiến vào Hoàng thành để làm lễ, không có bất cứ sự chống đối nào từ phía triều đình nhà Nguyễn, mặc dù lúc đó trong Hoàng thành vẫn còn lính tuần sát (áo đỏ, chuyên canh gác các cửa ra vào thành), lính khố vàng (trực tiếp bảo vệ nhà vua) và đặc biệt là Nhật vẫn còn lực lượng đóng tại các đồn trong nội thành.
Buổi chiều hôm đó trời nắng đẹp. Phái đoàn thay mặt Chính phủ lâm thời gồm các ông Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận tiến lên lầu Ngọ Môn Hoàng thành Huế, chính thức ra mắt đồng bào Thừa Thiên - Huế. 16h, buổi lễ trao ấn kiếm diễn ra. Đi cùng vua Bảo Đại lên nơi làm lễ có ông Phạm Khắc Hòe, Đồng lý Văn phòng của nhà vua và Hoàng Tùng Đệ Vịnh Cẩn.
Hôm đó vua Bảo Đại đội khăn vàng, mặc hoàng bào. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và chỉ những người có phận sự mới được tận mắt chứng kiến lễ thoái vị của vua. "Sau một hồi phái đoàn Chính phủ lâm thời làm việc với vua Bảo Đại, tôi thấy lá cờ vàng của triều nhà Nguyễn được hạ xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng. Mọi người tham dự buổi lễ đồng thanh vỗ tay”, ông Phùng kể.
Ông Phùng bên những bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Do không được tận mắt chứng kiến nên hôm sau ông Phùng đọc báo để tìm hiểu về buổi lễ thoái vị của nhà vua. “Khi đó tôi mới được biết, trong buổi lễ thoái vị, vua Bảo Đại đã trao quốc ấn và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là ông Trần Huy Liệu và nói một câu nổi tiếng: “Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.
Năm 1948, ông Trần Phùng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quân khu 4, và sau này chuyển ra công tác tại Tổng cục hậu cần. 36 năm tham gia cách mạng, kỷ vật của ông Phùng là hơn 20 tấm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ mà ông tự tay sưu tầm, được đóng khung treo lên vị trí trang trọng nhất trong nhà.
Ông tâm sự: “Tôi sưu tầm vì lòng mến yêu Bác Hồ. Dù chỉ một lần được gặp Bác nhưng tôi vẫn thấy tự hào và hãnh diện. Nhờ có Bác mà dân tộc Việt Nam giành được độc lập”.
Văn Nguyễn