Tối 21/3, 16 nữ biệt động Sài Gòn đã có mặt hội ngộ trong chương trình giao lưu do Nhà xuất bản tổng hợp thành phố tổ chức nhằm kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Qua những câu chuyện, thế hệ trẻ như hiểu hơn về cuộc sống và công việc của những nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Họ là những sinh viên, học sinh, chị công nhân, cô gái bán rau... nhưng vì lòng yêu nước đã tự nguyện tham gia vào đội biệt động Sài Gòn, lập nên nhiều chiến công.
Nữ biệt động được mệnh danh là "con thoi sắt" Nguyễn Thị Mai trò chuyện tại buổi giao lưu. Ảnh: Tá Lâm. |
Sinh năm 1951 tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), năm 12 tuổi, bà Nguyễn Thị Bích Nga vào Sài Gòn mưu sinh. Ba năm sau, Nga tham gia bộ đội và được đào tạo khóa học pháo binh. Năm 1966, bà được phân công vào B8 biệt động Sài Gòn.
Mùa xuân năm 1967, bà được lệnh nã 10 trái pháo cối 82 ly vào dinh thự của Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ Westmoreland. Để địch không nghi ngờ, bà cùng đồng đội đã đóng vai cặp vợ chồng mới cưới, thuê nhà ở khu vực Vườn Chuối (nằm gần mục tiêu). 6h sáng ngày 13/1/1967, nữ biệt động Bích Nga cùng đồng đội đã nã hàng loạt quả pháo liên tiếp bằng một khẩu pháo không có bàn đế vào khuôn viên Sở chỉ huy tướng Westmoreland.
Sau trận đánh, Bích Nga bị truy lùng gắt gao. Tại chiến dịch Mậu Thân 1968, bà được phân công pháo kích vào Dinh Độc lập, tuy nhiên trên đường vào nội thành nữ biệt động này đã bị bắt. Sau đó, bà bị đày biệt giam trong chuồng cọp ở Côn Đảo 5 năm liền.
Cũng gan dạ như Bích Nga, nữ biệt động Sài Gòn có biệt danh "Con thoi sắt" Nguyễn Thị Mai đã len lỏi khắp nơi trên mọi nẻo đường để chuyển vũ khí và tài liệu. Bà đã bị bắt rồi tra tấn bằng những hình thức man rợ nhất.
Bà Mai kể, bà có nhiệm vụ liên lạc vận chuyển vũ khí tài liệu từ các căn cứ Hóc Môn, Củ Chi, Đức Hòa... vào Sài Gòn. Để bí mật, Mai cải trang thành người bán rau. Từng chuyến xe rau, bên dưới là vũ khí đã được người nữ biệt động này hoàn thành xuất sắc. Thế nhưng, năm 1964, trong một lần chuyển tài liệu Mai đã bị bắt. "Lúc này, trong người tôi có nhiều tài liệu bí mật, 9 lá thư của anh em thuộc sư 9 miền đông và 30 kíp nổ trong giỏ đựng khổ qua", bà Mai cho biết.
Mặc dù chịu những kiểu tra tấn dã man như đánh đập, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng, dí điện vào người... nhưng người nữ biệt động này không hé miệng nửa lời. "Lúc đó, trên người tôi máu đọng lại, bụng phình to, đau dữ dội. Nhưng dù có đau đớn đến mấy tôi cũng phải cứng rắn chịu đựng, quyết không khai cơ sở bí mật của ta, kể cả vũ khí và kế hoạch chiến đấu", nữ biệt động năm xưa nói.
Sau những đòn tra tấn, bà Mai sốt triền miên và được đưa vào bệnh viện chữa trị. Tại đây, bà đã được một bác sĩ giúp đỡ trốn thoát về căn cứ. Sau thời gian điều trị, "con thoi sắt" đã đánh nhiều trận lớn đặc biệt quan trọng trong chiến dịch chuẩn bị cho Mậu Thân 1968 của biệt động Sài Gòn như diệt tên ác ôn "Ba xe ngựa", đánh Đề pô xe lửa...
Có một nữ biệt động mà nhiều người thời ấy chỉ biết đến biệt danh “Chim sắt” từng tham gia các trận đánh đầu tiên của đội biệt động Sài Gòn và là người đã đánh vào sân bay Honolulu (bang Hawaii, Mỹ) gây chấn động đất nước Mỹ. Bà là Lê Thị Thu Nguyệt (72 tuổi, hiện sống tại quận Phú Nhuận).
Nữ biệt động chia sẻ với nhau những kỷ niệm ngày còn là đồng đội. Ảnh: Tá Lâm. |
Nhắc đến chiến công của các đồng đội, ký ức của nữ biệt động này dồn về. Lúc đó, Nguyệt mới 19 tuổi, là thành viên đội biệt động 159. Năm 1963, bà Nguyệt nhận nhiệm vụ gài mìn nổ chậm vào máy bay Boeing 707 chở 80 cố vấn Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Để thực hiện nhiệm vụ này, đội biệt động 159 đã gài người mang bí số 8E vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay. Thu Nguyệt đóng vai người yêu của người mang bí số 8E này để có điều kiện ra vào nghiên cứu mục tiêu.
Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một lính Mỹ trong phòng đợi.
Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu (Mỹ) được 2 phút mìn mới phát nổ. Máy bay bị phá hỏng. Quả mìn nổ chậm hơn so với kế hoạch do đồng hồ hẹn giờ bị trục trặc. Mặc dù những cố vấn Mỹ thoát chết nhưng đã gây chấn động cho quân đội Mỹ.
Cũng tại buổi giao lưu này còn có nữ biệt động Phùng Bắc Mai - khi mới 15 tuổi đã là xạ thủ có khả năng bắn súng ngắn bằng cả hai tay, đã tiêu diệt nhiều tên chiêu hồi, mật thám bảo vệ an toàn và bí mật cho các cơ sở cách mạng. Ngoài ra, còn có nữ biệt động Phùng Ngọc Anh, Chính Nghĩa, Phạm Thị Nhung, Lệ Thu, Tú Phụng....
Tá Lâm