![]() |
Noor M.Tahir. |
Chàng trai Iraq đến Hà Nội từ năm 1999 để theo học chuyên ngành ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh được một gia đình người Việt nhận làm con nuôi và có tên tiếng Việt là Phạm Quang Noor. Mùa hè năm 2002, nghe tin chiến tranh có nguy cơ nổ ra tại Iraq, lo lắng cho gia đình mình ở quê nhà, anh quyết định về nước.
"Ở Việt Nam, gia đình bố mẹ nuôi khuyên tôi không nên trở về. Anh nuôi tôi bảo Sắp chiến tranh đó em ạ. Nhưng tôi đáp Gia đình em đang gặp nguy hiểm. Em không thể ngồi chờ ở đây được. Khi đó tôi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp".
Ba lần chết hụt
Noor trở về Iraq ngày 4/7/2002. Tám tháng sau, chiến tranh nổ ra khiến anh không thể quay lại Việt Nam như dự kiến. Noor gia nhập lực lượng dân quân tình nguyện để giữ Baghdad, nhưng thủ đô Iraq mau chóng thất thủ (9/4/2003).
"Thời gian chiến tranh thật khủng khiếp, tôi đã chứng kiến bạn tôi qua đời ngay trước mặt mình".
Noor đã 3 lần suýt chết. Lần đầu tiên, khi anh đang trú ẩn cùng nhiều người khác trong thánh đường vào lúc gần 4 giờ sáng. Lúc đó anh đang ngủ thì bỗng cảm thấy nền đất rung mạnh. "Tôi nghĩ Không lẽ trời sập à? Thì ra có một quả tên lửa rơi ngay cạnh thánh đường, nhưng may sao nó lại không nổ".
Lần thứ hai, Noor chết hụt là ngày Mỹ vào Baghdad và chiến sự giữa quân chính phủ Iraq và lực lượng Mỹ đang xảy ra ở ngoại ô. "Chúng tôi bị mắc kẹt giữa hai bên. Đạn từ xe tăng bay qua đầu. Cảm giác khi đó là không biết mình sẽ chết lúc nào", Noor kể.
"Chúng tôi đang cuốc bộ để tìm cách tránh đạn thì thấy trước mặt một chiếc ôtô bẹp cốp, tôi cảm thấy lạ quá bèn hỏi người tài xế đứng gần đó Có chuyện gì vậy anh? Ông ấy kêu lên Các anh cẩn thận, phía trước là bom bi đấy. Thì ra phía trước mặt nơi chúng tôi đứng, những vật nhỏ mà tôi tưởng là những viên đá đều là bom cả. Trong khi đó, các binh lính Mỹ bắn tứ tung. Khi đó họ không biết đối phương còn ai, nên bắn như vậy để kiểm tra xem có người bắn trả không. Một bên là đạn, trước mặt là bom, chúng tôi thực sự không biết phải trốn đi đâu".
Noor thở dài khi nhớ lại quang cảnh Baghdad sau chiến tranh: "Baghdad sau chiến sự thật khủng khiếp. Nó giống như một thành phố ma, các cửa hàng bị phá, ôtô cháy, còn chúng tôi thực sự đang bước đi trên những xác chết. Người Mỹ không tôn trọng văn hoá của chúng tôi. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh họ dùng vũ khí phá cửa các biệt thự của Saddam Hussein và ngân hàng, để cho dân chúng vào cướp bên trong, sau đó lại bắt những người này và quay phim, làm như thể đang phục hồi trật tự ở đây vậy. Họ tuyên bố rằng chính người dân vào phá, nhưng các biệt thự đều có hệ thống bảo vệ cực kỳ kiên cố, dân không thể tự mình làm việc đó được".
Cuộc chiến chấm dứt. Gia đình Noor may mắn vẫn bình an. Điều quan trọng đối với anh bây giờ là trở lại Việt Nam, vì chỉ cần một năm học nữa là anh sẽ có bằng cử nhân. Nhưng đại sứ quán Việt Nam tại Iraq lúc này không còn ở Baghdad mà đã tạm chuyển sang Jordan. Noor quyết định đi Jordan để xin visa trở lại Hà Nội, mặc dù anh biết rằng việc này không dễ dàng chút nào, khi mà Iraq không còn chính phủ đại diện.
Hành trình trở lại Việt Nam
"Ngày tôi sang Jordan là 4/7/2003. Tôi đã gặp may, vì tôi sang đó 2 ngày thì Mỹ đóng cửa biên giới Iraq".
Rắc rối đầu tiên của Noor là không tìm được đại sứ quán Việt Nam. Anh bèn thử xin visa ở đại sứ quán Nga, Trung Quốc, Thái Lan, với hy vọng sau khi đến được một trong các nước này, anh sẽ xin cấp giấy tờ để đi tiếp về Việt Nam. Nhưng họ đều từ chối, vì Iraq đang ở trong tình trạng vô chính phủ.
Hỏi thăm mãi, cuối cùng Noor cũng tìm được nơi đặt đại sứ quán Việt Nam. Anh kể: "May mắn sao tôi tìm được Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quang Khai. Chú ấy là người rất tốt. Chú Khai rất giỏi tiếng Ảrập và còn biết cả tiếng lóng của người Iraq. Đại sứ quán đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam và giúp cho tôi có được visa du lịch 2 tuần. Bố mẹ nuôi thì gửi vé máy bay cho tôi từ Việt Nam".
Đến lúc này thì một rắc rối khác nảy sinh. Noor gần như không còn một xu dính túi. Trong lúc chưa biết xoay sở ra sao, một anh bạn Iraq ở Malaysia qua gia đình Noor biết được địa chỉ khách sạn của anh ở Jordan, bèn gọi điện đến tận đó hỏi anh có cần gì không. Sau đó người bạn trang trải cho anh một phần chi phí.
Trước lúc bay chỉ còn một tiếng rưỡi nữa, Noor vẫn băn khoăn. Tiền khách sạn vẫn còn nợ, anh không thể bỏ đi được.
"Nhưng khi đó ông chủ khách sạn (chúng tôi trở thành bạn trong thời gian tôi ở đây) biết tình cảnh của tôi. Ông ấy bảo Noor à, tôi biết anh không có tiền. Số tiền anh nợ khách sạn, anh cứ trả sau cũng được. Anh đi đi đừng do dự nữa. Rồi ông ấy đưa thêm cho tôi 20 USD".
"Sau này, về tới Việt Nam, tôi đã gửi trả số tiền nợ cho các ân nhân của mình. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Đó là những người bạn trong hoạn nạn mà tôi không thể nào quên. Chặng đường từ Jordan về Việt Nam của tôi như thể được an bài sẵn vậy. Có lẽ ở hiền gặp lành. Đấng Allah đã phù hộ cho tôi".
Về đến Việt Nam, Noor mất 2 tháng để xin lại visa và học bổng để học tiếp năm cuối. Anh cho biết các cơ quan ở Việt Nam đối xử rất chu đáo với anh.
Bài luận văn tốt nghiệp của Noor năm ngoái so sánh giữa tiếng Ảrập và tiếng Việt đạt điểm 10. Sau này, anh còn dịch cuốn sách 54 dân tộc Việt Nam từ tiếng Việt sang tiếng Ảrập.
Hai anh trai của Noor sau chiến tranh đã quay lại với nghề buôn ôtô của gia đình. Nghề này, cũng giống nhiều ngành buôn bán khác như hàng hoá, lương thực, kiếm rất khá, vì hiện nay ở Iraq không có hải quan, nên không có thuế nhập khẩu. Một chiếc BMW 735 giá chỉ có 6.000 - 7.000 USD.
Noor cho biết sắp tới anh sẽ về thăm nhà: "Sau nhiều lận đận, cuộc sống của tôi ở Việt Nam giờ đã ổn định và không phải lo lắng gì về vấn đề kinh tế. Hiện nay tôi đang kinh doanh bất động sản. Nhưng mong ước của tôi là có thể trở thành giáo viên tiếng Ảrập chính thức tại Đại học Quốc gia. Tôi sẽ cố gắng sớm về thăm nhà ở Iraq, vì mẹ mong tôi nhiều lắm".
Minh Châu