Phóng viên George Esper đã làm việc cho hãng thông tấn AP được 10 năm khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ cách đây 30 năm. Ông hồi tưởng cảnh những lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam trong khi tới và chứng kiến những thay đổi tại đây sau ba thập kỷ.
Đường phố của thành phố Hồ Chí Minh những ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn. |
Tại tòa nhà từng là văn phòng quốc hội của chính quyền miền Nam Cộng hòa, những người công nhân đang vội vã chuẩn bị sân khấu để tổ chức ngày lễ trọng đại - 30 năm hai miền bắc nam Việt Nam thống nhất.
Những lá cờ đỏ sao vàng và cờ trang trí màu đỏ được chăng khắp các đại lộ và tại những tòa nhà nơi từng chất đầy bao cát và dây thép gai.
Khách sạn Continental bận rộn vì khách du lịch đổ về ăn sáng trước khi đến thăm thú các miền quê, nơi không còn bom mìn rình rập.
Ngày này cách đây 30 năm, một nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ nhảy lên một chiếc trực thăng Mỹ và là nhóm lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Giây phút đó chấm dứt quãng thời kỳ can thiệp đầy đau đớn và gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ tại Việt Nam.
Hai người Mỹ cuối cùng chết tại Việt Nam là Charles McMahon Jr., 21 tuổi người Massachusetts và Darwin Judge, 19 tuổi, đến từ Iowa. Họ thiệt mạng trong cuộc giao tranh kéo dài 3 tiếng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Máy nhận tin của văn phòng hãng thông tấn AP nhận được thông tin khẩn từ Wes Gallagher, khi đó là chủ tịch hãng, khuyến cáo rằng chiếc trực thăng cuối cùng sắp trở lại.
"Có ai trong số các bạn muốn rút khỏi không?", ông ấy hỏi tôi và hai đồng nghiệp của tôi, Peter Arnett và Matt Franjola.
"Cảm ơn đề nghị của ông", tôi nhắn tin trả lời. "Chúng tôi muốn ở lại nhưng có một số người Việt Nam đang hoảng sợ và họ muốn đi. Sứ quán Mỹ hứa sẽ bảo vệ những người đó, nhưng trong lúc hỗn loạn này họ không thể lọt vào sứ quán để lên trực thăng được".
Không còn được quân đội Mỹ hậu thuẫn và không sẵn sàng chống cự, chính phủ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Các binh sĩ miền Nam Cộng hòa bỏ các điểm kiểm soát ở ngoại ô Sài Gòn và quẳng vũ khí.
Tôi nhảy 4 bậc cầu thang một để xuống văn phòng của AP và chạy ra quảng trường trung tâm để phỏng vấn những binh sĩ và cảnh sát Sài Gòn mệt mỏi. Khi tôi tiến đến một sĩ quan, tôi thấy đôi mắt anh lộ rõ vẻ hoảng loạn. Anh ta vẫy tay một cách điên dại, miệng hét lên "Fini! Fini!", Cuộc chiến đã chấm dứt, anh ta nói bằng tiếng Pháp. Chúng tôi đã thua.
Khi tôi lấy giấy bút ra ghi, tay anh ta sờ đến khẩu súng ngắn. Tôi sợ rằng anh ta đang chuẩn bị bắn tôi, và, sau 10 năm đưa tin về chiến sự ở Việt Nam cho AP, tôi sẽ chết vào ngày cuối cùng vì sự thù hằn. Người lính Nam Việt Nam này có thể tức giận vì người Mỹ đã bỏ rơi họ.
Viên cảnh sát kia quay mặt đi và chào bức tượng tưởng niệm những binh sĩ lính thủy đánh bộ Việt Nam Cộng hòa trong công viên, rút khẩu súng ra khỏi bao, giơ nó lên ngang đầu và bóp cò.
Chỉ trong vài giờ, các binh sĩ giải phóng đã phá bức tượng kia, một phần chiến dịch xóa bỏ những tàn dư của người Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng hòa. Giờ đây, ngay tại chỗ đó là bức tượng của người mẹ ôm con. Sài Gòn đã được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh.
Đám đông dân chúng cướp ôtô của sứ quán Mỹ và tràn vào các tòa nhà của người Mỹ. Số khác hét lên với người Mỹ "Chúng tôi cũng muốn đi" trong khi nã đạn lên trời.
Hàng trăm người trèo vào sứ quán và cố tìm cách trèo lên bức tường cao hơn 5 m để lên những chiếc trực thăng di tản. Lính Mỹ dùng ủng đạp xuống đầu họ và đánh bằng báng súng.
Tôi đã viết về những binh sĩ cộng sản không tên và vô hình trong 10 năm mà chưa từng gặp họ, trừ những người đã chết hoặc ở trong tù. Nhưng trong ngày hôm đó cách đây đúng 30 năm, hai binh sĩ miền bắc Việt Nam đã bước vào văn phòng của AP, họ cho tôi xem những bức ảnh chụp gia đình họ và cho tôi biết họ nhớ người thân và muốn trở về nhà như thế nào.
Tôi đã nghĩ người Mỹ, người miền Nam và miền Bắc Việt Nam, tất cả chúng tôi đều giống nhau, đều cảm thấy cô đơn và không muốn chết. Nhưng kết cục cuộc chiến là đây: gần 60 nghìn lính Mỹ chết, gần 224 nghìn lính miền Nam và gần 2 triệu dân thường thiệt mạng.
Đối với tôi cuộc chiến đã kết thúc như thế, cách đây 30 năm, vào ngày 30/4/1975.
Ngọc Sơn dịch