"Đây là ngôi mộ tôi đã tự mình xây cho mẹ. Ngày mẹ còn sống, tôi hay ương bướng không nghe lời, giờ mẹ ra đi đột ngột, tôi hối hận quá, chỉ biết làm như vậy coi như bù đắp cho mẹ", anh Trần Văn Lương, 28 tuổi, công nhân xây dựng ở Định Thành, Đông Hải, Bạc Liêu, cho biết.
"Nhà mộ" được xây xong vài ngày trước, diện tích khoảng 25 m2, lợp ngói, lát gạch, có giường chiếu, tivi, quạt cây, tranh ảnh,..., là những vật dụng quen thuộc của mẹ anh. Hàng tháng anh trả 3 triệu đồng cho "quản gia" giữ mộ và lau nhà sạch sẽ. Anh dự tính sau này nhiều người trong dòng tộc sẽ được chôn ở đây.
Anh Lương kể tuổi trẻ bôn ba nhiều nơi để làm việc, quen với rượu chè, nên không tiết kiệm được nhiều, còn gánh thêm nợ. Cả đời mẹ anh chỉ mong một ngôi nhà khang trang nhưng chưa hoàn thành ước nguyện thì đã qua đời cách đây không lâu ở tuổi 52.
Trên trang cá nhân ngày 25/5, anh viết: "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ nhiều, những gì cần làm con đã làm rồi, mong mẹ an nghỉ. Mẹ đừng lo, con hứa sẽ không bao giờ như xưa nữa, sẽ đi trên con đường mới. Con yêu mẹ".
Hàng nghìn bình luận cho rằng người con đã cư xử không tốt khi người thân còn sống, khi họ qua đời làm vậy cũng không có ý nghĩa gì. Anh Lương cho biết, ngay cả những người thân thiết cũng cho rằng việc làm này là quá muộn.
"Hơn ai hết tôi hiểu điều đó, nhưng sự cố gắng này làm tôi nguôi ngoai phần nào", anh nói. Anh cũng tâm sự mấy ngày qua mưa nhiều làm anh nhớ mẹ hơn, nhưng anh không còn tự đày đọa mình trong men rượu như trước.
Tuy vậy, nhiều bình luận bày tỏ thông cảm cho người con trai này.
Nhà giáo Nguyễn Văn Bổn, nguyên Hiệu trưởng trường Quốc học Huế chia sẻ, "Con người không ai hoàn hảo cả, người ta cần có nhu cầu giải tỏa những lỗi lầm của mình bằng cách nào đó. Những học sinh hư, suốt ngày bị khiển trách thì cũng không tốt lên. Đây là một biểu hiện hối lỗi của anh Lương, người thân và xã hội nên chấp nhận để anh có động lực sống".
Ông Bổn cho biết thêm, không chỉ ở miền Tây - quê hương anh Lương - mà ở Huế cũng không hiếm những công trình lăng mộ lớn. Điều này một phần là giữ gìn bản sắc dân tộc, một phần cũng là sự gắn kết giữa người trong nhà, giúp củng cố niềm tin trong cuộc sống.
Tiến sĩ Cao Nhật Duy, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, đánh giá việc làm của anh Lương không đáng trách. "Đôi khi, xây mộ cho người khuất khang trang cũng để giữ thể diện cho gia đình. Đây là chuyện bình thường trong văn hóa dân gian người phương Đông".
Từng có nhiều năm nghiên cứu về Phật pháp, ông Vương Vũ Thắng (TP HCM), chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty về công nghệ và nội dung số ở Việt Nam, cho rằng có hiếu là bản thân phải sống hạnh phúc. Nếu mình không hạnh phúc, cứ đắm chìm trong bia rượu và tự trách bản thân, cha mẹ sẽ buồn lòng.
"Không phải cứ xây lăng mộ to hay kiếm nhiều tiền về biếu cha mẹ là có hiếu. Quan trọng là khi cha mẹ còn sống hãy khuyên họ sống một cuộc sống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe... và bản thân mình cũng làm được như vậy thì mới gọi là hiếu thảo".
Trọng Nghĩa