Thông tư 21 ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ tháng 7/2010. Văn này nêu rõ hội thi có ba mục đích.
Thứ nhất là tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học...
Thứ hai là góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học và sáng tạo. Qua hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.
Cuối cùng, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.
Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp phải đáp ứng hai yêu cầu là tổ chức theo các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên; việc tổ chức phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục.
Ở cấp trường, hội thi được tổ chức mỗi năm một lần, cấp quận/huyện là hai năm một lần và cấp tỉnh là bốn năm một lần.
Điều 6 Thông tư 21 quy định, trong hội thi, giáo viên sẽ báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá trong bốn năm học gần nhất năm tổ chức hội thi; làm một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm liên quan đến phạm vi chương trình giáo dục của cấp học mà giáo viên giảng dạy, hoặc hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và chỉ đạo của ngành (gọi tắt là bài thi kiểm tra năng lực).
Đặc biệt, giáo viên phải thực hành giảng dạy hai tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi, trong đó có một tiết do giáo viên tự chọn và một tiết do Ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm.
Giáo viên có ít nhất một tuần chuẩn bị cho tiết thực hành giảng dạy
Giáo viên nộp cho Ban tổ chức hội thi văn bản báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng có kèm theo nhận xét, đánh giá và xếp loại của nhà trường hoặc của Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục.
Bài thi kiểm tra năng lực là bài thi viết, hoặc thực hành (ví dụ sử dụng máy vi tính, sử dụng đồ dùng dạy học...). Nếu là thi viết, có thể bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp cả hai hình thức trên.
Thực hành giảng dạy được tổ chức tại lớp học. Tiết học tham gia thi giảng là tiết học lần đầu tiên được giảng cho học sinh tại lớp học đó. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng trong thời gian ít nhất là một tuần trước thời điểm thi giảng.
Theo quy định, kết quả hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân; căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. Tùy điều kiện cụ thể, UBND các cấp, cơ quan quản lý giáo dục địa phương quy định chế độ ưu đãi đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong hội thi.
Xuân Hoa
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây