Từ 7h ngày 14/4, 12 đội tuyển đến từ 12 thôn trong xã Môn Sơn vận chuyển thuyền gỗ cỡ nhỏ, chài, xô nhựa đến bờ kè bên sông Giăng ở thôn Làng Xiềng và Thái Sơn 1 xếp hàng nghe phổ biến thể lệ thi bắt cá. Hơn 2.000 người gồm đàn ông, phụ nữ, thanh niên, trẻ em... cũng mang ngư cụ đến cổ vũ. Xe máy, ôtô đỗ kín đường, tiếng hò reo, cười nói rôm rả khắp vùng.
Sông Giăng đoạn qua xã Môn Sơn rộng 150 m, dài khoảng 700 m, nằm tựa bên các dãy núi đá vôi, điểm sâu nhất 2,5 m, cạn nhất khoảng nửa mét. Dưới sông có nhiều loại cá như mát, trắm, lăng..., thịt thơm ngon. Năm 2024 là lần thứ hai chính quyền tổ chức hội thi bắt cá, trong khuôn khổ lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ.
Theo thể lệ, mỗi đội gồm 4 nam, 3 nữ có hộ khẩu tại thôn. Họ phải chuẩn bị 4 chài, một xúc, một vợt và xô nhựa, ngoài ra có thể mang thêm giỏ đựng cá hoặc kính lặn. Số cá dùng để tính kết quả phải được các đội thi bắt trên khu vực sông Giăng do nhà chức trách khoanh vùng, ai đưa cá từ bên ngoài về sẽ bị tính là phạm luật và loại trực tiếp.
8h30, sau khi Ban tổ chức phát hiệu lệnh bằng loa, 12 đội thi lập tức chèo thuyền ra giữa sông Giăng, quăng chài rộng 3 m, dài 2,8 m xuống nước. Sau khoảng 5-10 phút, 2-3 thành viên lặn xuống dưới đáy kiểm tra xem có cá mắc lưới hay không để lên phương án bắt. Một số đội khác thì 5-7 người đứng trên thuyền hợp sức thu tấm chài lại, gỡ cá dính lưới bỏ vào xô nhựa.
Ông Hà Văn Mại, 56 tuổi, đội Tân Sơn, cho biết trước hội thi vài ngày đã cùng thành viên trong đội rủ nhau ra các hồ đập trên địa bàn để tập quăng chài. Cá sông Giăng có những con nặng 6-8 kg, nhiều loại như trắm đen nặng 15-20 kg. Khi cá mắc chài, nếu bắt không đúng kỹ thuật thì nguy cơ bị thoát ra rất cao, do vậy cần bàn bạc để khi thi phối hợp được nhịp nhàng.
"Số lượng cá năm nay tương đương năm ngoái, tuy nhiên các loại kích cỡ khủng giảm dần. Đợt thi trước, đội bắt được nhiều cá trắm nặng 6-8 kg, năm nay con to nhất chỉ 4 kg, còn lại từ 8 lạng đến hơn 2 kg", ông Mại nói.
9h30, hội thi kết thúc, các đội đưa xô cá về cho Ban tổ chức cân. Kết quả, đội Bắc Sơn giành giải nhất khi bắt được hơn 17 kg cá, lĩnh 400.000 đồng, ngoài ra còn nhận thêm 100.000 đồng vì bắt được con cá trắm to nhất nặng 4 kg. Hai đội Tân Sơn và Làng Yên bắt 14-15 kg, lần lượt về thứ ba và nhì, nhận 200.000-300.000 đồng. Số cá trên sẽ giao cho các đội chia nhau về làm thức ăn.
Ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch xã Môn Sơn, cho biết phần thưởng bằng tiền chỉ mang tính khích lệ, mục đích chính là muốn người dân và du khách tham gia lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Từ 10 đến 12h, hàng nghìn người dân tham gia lễ hội được phép dùng lưới, chài, xô nhựa xuống sông Giăng bắt cá, trung bình mỗi người thu được 1-2 kg. Hơn 12h, Ban tổ chức phát loa yêu cầu tất cả mọi người lên bờ và gắn biển cấm đánh bắt. Thời gian tới chính quyền sẽ thả thêm hàng tạ cá giống xuống sông, hàng ngày cử bảo vệ giám sát để phục vụ cho mùa lễ hội kế tiếp.
"Cá ở đây rất ngon, khi đưa lên bờ một số người hỏi mua ngay nhưng tôi không bán, đưa về mua thêm ít dưa chua nấu lên đãi gia đình, mời bạn bè cùng thưởng thức. Những lễ hội như thế này cần duy trì và phát huy, bởi khi tham gia sẽ tăng thêm tính đoàn kết cộng đồng", ông Vi Văn Lương, 56 tuổi, trú xã Môn Sơn, nói.
Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ được tổ chức thường niên nhằm kỷ niệm ngày thành lập chi bộ Đảng Môn Sơn (tháng 4/1931) - chi bộ Đảng đầu tiên của miền tây nam Nghệ An. Lễ hội năm nay diễn ra ngày 13-14/4, ngoài phần lễ còn có nhiều hoạt động như chợ phiên, thi bắt cá, ném còn, dệt thổ cẩm...