Sự kiện "Ứng dụng blockchain nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số", do Công ty cổ phần Vietnam Blockchain (VBC) tổ chức, dưới sự tài trợ của Quỹ Châu Á - Việt Nam (TAF). Tham gia sự kiện có ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM cùng gần 100 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp lớn.
Tại hội thảo, những khách mời đã được nhiều chuyên gia chia sẻ về tình hình chuyển đổi số trên địa bàn TP HCM; xu hướng triển khai nhiều ứng dụng trong cách mạng công nghệ 4.0; tiềm năng ứng dụng blockchain vào chuyển đổi số trong dịch vụ công, các ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp.
Một trong những điểm nổi bật của hội thảo khi đã mang đến những mô hình thực tiễn ứng dụng công nghệ blockchain dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, diễn giả chuyên môn tại các lĩnh vực tiêu biểu như: nông nghiệp, y tế, đô thị thông minh, giáo dục, dịch vụ công.
Ông Đỗ Văn Long - Tổng giám đốc Công ty CP Vietnam Blockchain chia sẻ - quá trình chuyển đổi số áp dụng các công nghệ 4.0 như công nghệ blockchain, AI, IoT đang nhận được sự quan tâm từ rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam. Và TP HCM đã nghiên cứu, đề xuất và triển khai những chiến lược chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng, hiệu quả, tạo được tác động lớn.
Theo đó, TP HCM đã và đang tích cực triển khai chiến lược chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, với cách tiếp cận theo hệ sinh thái, dưới sự tham gia của nhiều bên, hướng tới người dân làm trung tâm. Chiến lược góp phần giúp người dân trở nên bình đẳng về các cơ hội tiếp cận dịch vụ, tri thức, đào tạo và những cơ hội phát triển khác.
Công nghệ blockchain được các chuyên gia đánh giá là một trong những nền tảng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số. Blockchain với tính chất phi tập trung, đặc biệt phù hợp để ứng dụng trong việc xác thực tính đúng đắn của dữ liệu, minh bạch thông tin và dễ dàng liên thông dữ liệu giữa các tác nhân trong hệ sinh thái phần mềm. Công nghệ này đang phát triển nhanh và mạnh trên thế giới trong nhiều lĩnh vực từ tài chính, thương mại, dịch vụ công đến nông nghiệp, đặc biệt ở các lĩnh vực liên quan đến xác thực thông tin như truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Theo ông Long, tiềm năng của công nghệ blockchain là rất lớn, với nhiều công dụng nổi bật và tính ứng dụng cao trong đa dạng các lĩnh vực, góp phần giải quyết nhiều bài toán khó trong thực tiễn. Tuy vậy, việc triển khai công nghệ blockchain vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như việc bảo mật khóa bí mật của mỗi cá nhân hay như cách thức duy trì, vận hành hiệu quả mạng lưới blockchain nội bộ cho doanh nghiệp.
"Nâng cao nhận thức của mọi người về ứng dụng blockchain tại các doanh nghiệp, tổ chức là điểm mấu chốt. Từ đó có thể áp dụng và triển khai một cách hiệu quả các giải pháp công nghệ blockchain vào quá trình vận hành và quản lý của nhiều đơn vị", ông Long nói.
Định danh số blockchain cũng là một trong những ứng dụng quan trọng trong chuyển đổi số giải quyết các vấn đề xã hội được bàn luận tại hội thảo. Ông Phan Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC (JupViec.vn) - đã chia sẻ về dự án tích hợp công nghệ blockchain vào hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi của ứng dụng JupViec.
Ông Minh cho biết, dự án giúp định danh số thành công cho 1.400 lao động giúp việc với hơn 1,6 triệu giao dịch. Dự án đã giúp định danh số thành công cho 1.400 lao động giúp việc với hơn 1,6 triệu giao dịch. Ngoài ra dự án còn nêu chức năng yêu cầu, thương lượng với người tuyển dụng hỗ trợ mức lương, đãi ngộ tương xứng với kinh nghiệm làm việc được lưu trữ trên nền tảng blockchain; truy vết thông tin định danh trên nền tảng này để bảo vệ quyền và lợi ích.
Thư Kỳ