Thoại Hà -
Hội thảo có sự góp mặt của rất đông nhà phê bình, nhà thơ. Từ những gương mặt cao niên như Trần Thanh Đạm, Hoàng Như Mai, Đặng Tiến, Huỳnh Như Phương... đến các nhà thơ trung niên như Lý Lan, Vũ Trọng Quang, Phan Nhật Chiêu... và các nhà thơ trẻ: Nguyệt Phạm, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Liêm Khoan, Tú Trinh, Thục Linh...
Việc xoáy vào đọc tham luận chuẩn bị trước khiến cho hội thảo mang không khí khá tẻ nhạt, như nhiều người dự thính nhận xét. Vẫn là chuyện: Hôm nay còn ai làm thơ, thơ in và xuất bản với hình thức nào, công chúng của thơ là ai, còn ai đọc thơ hôm nay, vai trò và vị trí của thơ ca... được "xới" lại để cùng tiếp tục suy ngẫm. Hầu như không có tranh luận.
Quang cảnh vắng vẻ về cuối cuộc hội thảo. Ảnh: Anh Vân. |
Kéo dài hơn ba giờ đồng hồ, hội thảo từ cảnh rất đông đại biểu tham dự lúc đầu, càng về sau chỉ còn lác đác vài người chưa phát biểu và chưa nói hết ý nán lại. Có đại biểu đứng lên phàn nàn về việc người tham dự có vẻ tản mát, không tập trung, thậm chí còn ra ngoài hành lang trò chuyện, hút thuốc.
Dù vậy, phát biểu tại hội thảo, GS Hoàng Như Mai vẫn tin rằng sau cuộc gặp gỡ và trao đổi này, người làm thơ và người nghiên cứu có quyền hy vọng vào một sự thay đổi mạnh mẽ, tích cực hơn, so với bầu không khí trầm lắng từ trước đến nay trong đời sống của thơ.
Dưới đây là một vài ý kiến, cảm nghĩ về đời sống thơ ca hôm nay, trích từ tham luận của các đại biểu tham gia Hội thảo:
Nhà thơ trẻ Hoa Nip: Nhà sách, công ty văn hóa truyền thông giữ vai trò quan trọng "cổ xúy" thơ
Bản thân tôi từng đến NXB xin in thơ. Gặp chị K.T. (NXB V.N.), chưa biết thơ hay dở thế nào, điều thỏa thuận đầu tiên là: "Phải tự tiền túi bỏ ra in đó nghe, và tự lo việc bán thơ nữa, chứ NXB không làm việc này".
Vì muốn in thơ nên tôi cũng ừ, à gật đầu. Khổ nỗi tôi chỉ mới 21 tuổi, đang còn là sinh viên, quả thật số tiền in thơ đối với một sinh viên là không nhỏ. Còn chuyện bán thơ nữa chứ. Học hành, thi cử cứ liên miên, thời gian đâu mà bán với chả buôn. Tụi 8X như chúng tôi đâu có thời gian để bán thơ theo kiểu "đánh du kích" như ngày xưa nữa (đi đến những nơi đông người, hội trường công ty, xí nghiệp, trường học, lễ hội... để giới thiệu và bán ngay tại chỗ). Còn chuyện họp báo, ra mắt tập thơ... Vì thế, vai trò của những nhà sách, công ty văn hóa truyền thông là rất quan trọng.
Nhà thơ Lý Lan: Thơ vẫn còn một chỗ neo chắc là tâm linh...
Nhà thơ, dịch giả Lý Lan. Ảnh: Anh Vân. |
Tác động của khoa học kỹ thuật lên người sáng tác văn chương thực ra không quan trọng bằng sự chi phối của khoa học kỹ thuật đối với sự hưởng thụ của người tiêu dùng. Ipod, cellphone, rồi iPhone rồi iTunes. Trong khi đó, những nhược điểm của cuốn sách điện tử đầu tiên ra đời mươi năm trước, nay đã được khắc phục hầu hết, thế hệ mới nhất là Kindle wireless reader do Amazon.com vừa tung ra cách đây mấy tháng đã bán hết veo... Các NXB tất nhiên đang điều chỉnh để thích nghi, và do đó người sáng tác cũng bị chi phối...
Thơ là thơ, cho dù khoa học kỹ thuật tiến bộ tới đâu thì thơ vẫn còn một chỗ neo chắc là tâm linh... Cho dù khoa học kỹ thuật chứng minh mọi rung động, cảm xúc, suy tư của con người đều do hoạt động của não... chúng ta vẫn làm thơ ca ngợi tình yêu, vẫn dựng lên những mê lộ cho hành trình tìm đến tâm linh.
Nhà thơ Nguyệt Phạm: Tại sao là Nàng thơ mà không phải là Chàng thơ?
Trước đây nhiều nhà phê bình vẫn cho rằng Nàng thơ chính là Người đẹp. Và Người đẹp chính là thi ca. Có nghĩa một chính là hai, hai mà là một, gắn bó khắng khít không thể tách rời. Nhưng với tôi đây là một quan niệm giả dối, mang nhiều tính chất hưởng thụ, hưởng lạc của chủ nghĩa phụ quyền. Đề cao tính chất của con đực độc diễn và độc đàn, "Rằng em nhan sắc cho chàng say sưa" (Nguyễn Bính)...
... Đẹp như thơ hay nàng thơ cũng bắt đầu từ những tranh luận thi ca và văn hóa từ cổ đại đến Phục hưng khi các nhà thơ nữ vẫn chỉ mang tính chất phụ thuộc và lệ thuộc chứ chưa có nam nữ bình quyền... Vậy với một phụ nữ, nhà thơ nữ, vẻ đẹp của thi ca phải là Chàng thơ... Có bệnh lý hay không khi một nàng làm thơ lại đi yêu một Nàng thơ? Phải là Chàng thơ chứ... Thơ ca nữ hiện đại cần phải thay đổi cách nhìn để có những cuộc dấn thân mới, khám nghiệm, thử nghiệm ngôn từ, ngôn ngữ, hình ảnh mới chăng?
Hồ Khánh Vân, giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ ĐH KHXHNV, TP HCM: Thơ nữ có cái nhìn đa điểm, đa điệu về dục tính
Cây bút trẻ Hồ Khánh Vân. Ảnh: Anh Vân. |
... Những âm thanh bị kìm nén của khát vọng dục tính, khát vọng của nhục cảm cũng sống dậy, trở thành một nét sắc cạnh trên trang thơ của các cây bút nữ... những người nữ trẻ làm thơ đã mạnh dạn và táo bạo thể hiện nhục cảm bằng ngôn từ. Có khi họ gây xôn xao ngay từ những bước chân đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thi ca và hiện lên bằng hình hài của nổi loạn, của phá phách, thậm chí đến mức cuồng nộ như hiện tượng Vi Thùy Linh, như những câu thơ không bao giờ tĩnh tại của Phương Lan, hay các cú huých dục tính khuấy động dư luận của Lynh Barcadi...
Vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi và trông chờ vào sự thẩm định của thời gian để khẳng định hay phủ định các giá trị. Nhưng, phải thấy rằng, các cây bút nữ đã góp tiếng nói của mình khiến cho dục tính trong văn chương trở nên đa điệu, đa điểm nhìn: Cái nhìn từ phía nữ giới...
Thoại Hà ghi